Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội trong 15 ngày từ 01/4 đến 15/4 vì đây là khoảng “thời gian vàng” ngăn dịch bệnh lây lan.
Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 được chính thức áp dụng đến nay đã bước sang ngày thứ 10. Cách ly toàn xã hội là hạn chế tập trung nơi đông người, người dân chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết, những nhu cầu khác như vui chơi hay tập thể dục đều được khuyến cáo nên thực hiện tại nhà.
Trong những ngày đầu, yêu cầu này được người dân thực hiện khá nghiêm túc, Hà Nội trở nên vắng vẻ trong những ngày đầu thực hiện chỉ thị Cách ly xã hội. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều tuyến phố ở thủ đô bất ngờ đông đúc, có nơi ùn tắc nhẹ dù đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội đến ngày 15/4.
Người dân bắt đầu cho thấy sự lơ là, chủ quan đối với việc thực hiện cách ly đề phòng dịch bệnh. Lượng phương tiện trên các tuyến phố đông lên rõ rệt, không chỉ ban ngày mà vào các buổi tối cũng trở nên tấp nập.
|
Lượng phương tiện tham gia giao thông tại đây không khác gì so với những ngày trước khi có dịch Covid-19. |
Tại Hà Nội, vào những buổi chiều nhiều tuyến phố như Kim Mã, Thanh Niên, khu vực ven hồ Tây, công viên Hòa Bình… rất đông người dân đã đến đây tập thể dục.
Trên vỉa hè, hàng chục người già, trẻ vô tư đi lại, trò chuyện, không tuân thủ việc giữ khoảng cách; đa số đều đeo khẩu trang nhưng vẫn có những người lại không hề có biện pháp bảo vệ nào.
Đáng chú ý, dù có lực lượng chức năng phát loa nhắc nhở, vận động, nhưng mọi người chỉ chấp hành chống đối rồi sau đó lại quay lại tiếp tục hoạt động thể dục khi lực lượng chức năng đi nơi khác.
“Ra đường vì những lý do không cần thiết là sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm với xã hội. Quan trọng là ý thức, các biện pháp xử phạt hành chính cũng chỉ mang tính răn đe, các cơ quan chức năng cũng không thể suốt ngày theo sau để xem và xử phạt được.
Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch từ Trung ương đến địa phương, các bác sĩ cả tháng không được về nhà, bộ đội dầm mưa dãi nắng nơi biên giới để ngăn chặn việc nhập cư trái phép mang mầm bệnh về nước ... thì ở các thành phố mọi người lại chủ quan, đi đứng lung tung. Một điều đáng buồn” – Bạn đọc Xuân Tiến chia sẻ vơí Dân Việt.
|
Ghi nhận của phóng viên tại ngã tư Ô Chợ Dừa chiều 8/4, lượng xe đã tăng đột biến so với những ngày đầu thực hiện chỉ thị 16. |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay, theo một số thông tin và báo chí phản ánh có hiện tượng người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn, "phá vỡ những chỉ đạo". "Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật" - ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Ông Chung phân tích, nếu như qua được 15 ngày này thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. “Nếu đi ra ngoài thì như đã phân tích, chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể chỉ thị cách ly xã hội. Hiện nay tất cả người dân phải ở trong nhà nếu không có việc cần thiết”.
Hiện gần 4 tỷ người ở 90 quốc gia, gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng chống COVID-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cả xử lý hình sự đối với người ra đường không đúng quy định. Có thể thấy, Việt Nam không phải nước duy nhất thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng là nước thực hiện sớm.
Việt Nam đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm.
Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải, “kết quả từ các bản tin hằng ngày là mừng nhưng nỗi lo vẫn còn đó”.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ