Tuần trước, vào đầu giờ sáng 5/4 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 61,37 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 64,74 USD/thùng.
Giá dầu ngày 5/4 giảm chủ yếu do thị trường lo ngại khả năng tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19. Điều này đã dấy lên lo ngại tình trạng cung vượt cầu sẽ tái diễn trên thị trường dầu thô, đặc biệt khi OPEC+ đã có lộ chỉnh tăng sản lượng.
Sau cuộc họp trực tuyến thường kỳ ngày 1/4, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày nữa vào tháng 6 và thêm lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 7.
|
Giá xăng trong nước điều chỉnh giảm? (Ảnh minh họa) |
Cùng với đó, Saudi Arabia, quốc gia đã tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, cũng thông báo sẽ điều chỉnh giảm dần mức cắt giảm sản lượng tự nguyện này. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ nâng sản lượng dầu hàng ngày từ mức hiện tại thêm 250 ngàn thùng trong tháng 5, 350 ngàn thùng trong tháng 6 và 400 ngàn thùng trong tháng 7/2021.
Giá dầu thô còn chịu sức ép bởi một lượng lớn dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô bị ùn ứ trong sự cố Kênh đào Suez đã được đưa vào thị trường, và dòng chảy dầu thô qua khu vực này đã được khơi thông.
Cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran vào thứ Ba để khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Nếu thành công, việc này có thể dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.
Những dự báo kinh tế lạc quan được đưa ra trong các phiên giao dịch cuối tuần đã hỗ trợ giá dầu thế giới lấy lại đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng có tính chất tâm lý bởi gần như sau đó, trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm mạnh.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 59,34 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 63,00 USD/thùng. Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu WTI giao tháng 5/2021 đã giảm khoảng 2,71 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao tháng 6/2021 giảm khoảng 1,74 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng ngày 12/4 dự kiến giảm theo xu hướng thế giới. Theo tính toán, xăng E5 RON 92 trong nước có thể giảm 0-200 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 50-250 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 70,26 USD/thùng, xăng RON 95 là 72,57 USD/thùng, cùng giảm gần 2% so với kỳ trước. Giá trung bình của các mặt hàng dầu cũng giảm nhẹ.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết giá xăng thế giới những ngày qua có xu hướng giảm. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 12/4, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 0-200 đồng/lít, giá xăng RON 95 giảm 50-250 đồng/lít.
Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng giảm 160-360 đồng/lít; dầu hỏa giảm 300-400 đồng/lít và dầu mazut giảm 400-600 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể sẽ không đổi.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi liên Bộ Tài chính - Công Thương đang không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Đồng thời, mức chi sử dụng quỹ bình ổn đang ở mức cao (chi sử dụng E5 RON 92 ở mức 1.900 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 1.050 đồng/lít).
Tại kỳ điều hành giá xăng gần nhất là ngày 27/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá các mặt hàng xăng. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường hiện tại ở mức 17.851 đồng/lít, với xăng RON 95 là 19.046 đồng/lít, cùng cao nhất trong vòng hơn một năm.
Kể từ ngày 11/11/2020, giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 3.966 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.345 đồng/lít. Cũng trong khoảng thời gian đó, giá xăng chưa một lần giảm.
Theo Kinh tế Chứng khoán