Loay hoay bài toán cung cầu
Người tiêu dùng đang phải mua thịt lợn với mức giá cao gần như kỷ lục của năm nay, dù đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Hàng loạt các giải pháp như tăng nhập khẩu, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá… dường như chưa mang lại kết quả như ý khi giá thịt lợn vẫn neo ở mức rất cao, có sản phẩm lên đến 240.000 đồng/kg.
|
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm giá lợn hơi về 60.000 đồng/kg nhằm kéo giá lợn thành phầm trên thị trường xuống thấp |
Đáng nói, cách đây 4 năm, mặt hàng thịt lợn cũng rơi vào một đợt khủng hoảng thừa khi thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu khiến giá lợn hơi giảm chỉ còn 20- 40 nghìn đồng/kg. Cơn khủng hoảng kéo dài đã khiến không ít người chăn nuôi rơi vào cảnh phá sản, người tiêu dùng phải tham gia hỗ trợ “giải cứu”.
Cùng với thịt lợn, nhiều loại nông sản thực phẩm khác như hành tím, dưa hấu, thanh long, tôm hùm… cũng từng nhiều lần phải đối diện với việc không tìm được đầu ra, giá bán rất thấp, người nông dân chịu thiệt thòi và luôn canh cánh nỗi lo được mùa mất giá.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất của những cuộc khủng hoảng thiếu-thừa này là do ta chưa cân đối được cung-cầu nông sản thực phẩm. Nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Sản xuất thì theo mùa vụ mà tiêu dùng lại quanh năm nên vào những thời điểm chính vụ, cung tăng mà cầu không tăng, dẫn đến dư thừa. Ngược lại, với mặt hàng thịt lợn, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung trong nước suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến giá neo cao.
Cụ thể, nhìn trước được những khó khăn của người tiêu dùng cũng như khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI năm 2020 khi giá thịt lợn liên tục neo ở mức cao, từ cuối năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tìm giải pháp giảm giá thịt lợn, trong đó có tái đàn. Bên cạnh đó, giá lợn ở mức cao được đánh giá là thời điểm vàng để tái đàn, song người dân lại chưa mặn mà với việc này.
Lý do, dư âm từ dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ nông dân kiệt quệ về tài chính; số khác lại lo ngại dịch bệnh chưa dập tắt hẳn có thể bùng phát trở lại khiến việc tái đàn vẫn chỉ được thực hiện cầm chừng. Nếu tổng đàn lợn thời điểm 31/12/2018 là 31 triệu con thì đến thời điểm 31/12/2019 chỉ là 25 triệu con. Đến giữa tháng 3/2020, số đàn lợn mới tăng được 6,3%, nâng con số tổng đàn lợn cả nước lên 24 triệu con. Trong quý đầu tiên của năm 2020, chỉ khoảng 820-830 nghìn tấn thịt lợn được đưa ra thị trường, thấp hơn nhu cầu thực tế khoảng 100 nghìn tấn, đẩy giá tăng cao.
Thiếu hụt nguồn cung, cơ quan chức năng đã bù đắp bằng nhập khẩu. Tính đến ngày 7/4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 43.553 tấn thịt, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đó, từ ngày 1/4/2020, 15 doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành chăn nuôi cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg. Nhiều siêu thị đã cam kết giảm giá thịt lợn để tạo độ chênh với chợ dân sinh… Song những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả như ý khi một mặt, người dân vẫn thích sử dụng thịt “nóng”, chưa mặn mà với thịt lợn nhập khẩu, vốn là thịt “lạnh”; mặt khác, 15 DN chăn nuôi lợn chỉ chiếm không quá 35% thị phần ngành chăn nuôi trong nước, chưa đủ sức chi phối giá cả.
Với các loại nông sản, thực phẩm khác, thời điểm dư thừa thường vào chính vụ, khi nguồn cung trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Trung Quốc-thị trường lớn nhất của nông sản thực phẩm nước ta thường xuyên nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu. Trong khi thói quen sản xuất manh mún, tự phát và kinh doanh thông qua chợ biên giới, tiểu ngạch khiến nhiều loại nông sản thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bị ngừng nhập khẩu làm giá giảm sâu, phải “giải cứu”. Cá biệt, năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường đồng loạt ngừng nhập khẩu, gây nên dư thừa nguồn cung trong nước.
Đồng bộ giải pháp
Bản chất thị trường hiện nay vẫn là yếu tố cung cầu quyết định giá cả. Do đó, ổn định cung cầu được coi là giải pháp quan trọng để tránh phải đối diện với các cuộc khủng hoảng thiếu-thừa, đồng thời bình ổn giá.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, bình ổn giá thực phẩm, hiểu nôm na là điều tiết thị trường, tức là đưa thực phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu. Tuy nhiên, với thịt lợn, nơi nào cũng thiếu thì sẽ rất khó để bình ổn thị trường. Do đó, song song với việc nhập khẩu để bù đắp một phần nguồn cung, cần có giải pháp khuyến khích người nông dân nhanh chóng tái đàn ở các địa phương đã công bố hết dịch theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, bảo đảm an toàn sinh học để có được nguồn thịt chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Chưa kể, theo tính toán của các cơ quan chức năng, chi phí sản xuất bình quân của DN hiện vào khoảng 45 nghìn đồng/kg lợn hơi. Do đó, các “ông lớn” ngành chăn nuôi phải thể hiện vai trò của mình trong bình ổn giá một cách rõ nét hơn bằng cách giảm giá lợn hơi sâu hơn mức 70 nghìn đồng/kg như đã cam kết vào đầu tháng 4. Chưa kể, các “ông lớn” ngành chăn nuôi như C.P, Dabaco… đã khép kín được chuỗi sản xuất từ chuồng đến lò mổ, sau đó vận chuyển đến siêu thị thông qua ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa, giảm tối đa các khâu trung gian - được coi là một trong những lý do khiến giá thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng chênh quá nhiều so với lợn hơi. Việc giảm giá thành xuống mức 60.000 đồng/kg, như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo mức giá bán ra thị trường chênh lệch đáng kể so với mức giá bán của các hộ giết mổ nhỏ lẻ hoặc các DN nhỏ, từ đó tạo dư địa hạ giá thịt lợn.
Cùng với sự tự giác của DN, giải pháp mạnh hơn đang được tính đến là đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá. Khi đó, DN chỉ tăng 5% cũng phải báo cáo và kê khai với cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định của Luật giá, hạn chế tối đa sự tăng giá vô lý.
|
Các giải pháp xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương và các địa phương, doanh nghiệp góp phần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm |
Trước mắt là vậy, còn về lâu dài, với thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung, thiết nghĩ, giải pháp lâu dài vẫn là sự hợp tác mạnh hơn của nông dân, DN nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp, cùng hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được Bộ Công Thương tổ chức thời gian qua đã giúp thanh long, dưa hấu, rau an toàn… của nhiều địa phương đã thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá sau khi kết hợp với các kênh phân phối như Big C, Saigon Coop, Hapro, UCA mart… để xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín.
Tuy nhiên, để làm được điều này, phải thay đổi căn cơ từ phương thức sản xuất. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam (chủ chuỗi siêu thị Big C) chia sẻ, những năm gần đây, khách hàng mua sắm tại Big C có xu hướng ưa chuộng những sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sản phẩm bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem nhãn của Nhà nước; sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm mùa vụ…
Xu hướng này cho thấy, các sản phẩm có chất lượng ngày càng được lòng người tiêu dùng. Do đó, nông dân buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn và chất lượng. Đó là giải pháp duy nhất để có thể hợp tác được với các kênh phân phối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần cho mục tiêu bình ổn thị trường, tránh được nỗi lo được mùa mất giá.