Xuất khẩu đồ gỗ tăng gấp đôi, nhưng doanh nghiệp nói Tổng cục Thuế 'đang chặn lại'

DTVN 09:28 11/06/2021

Dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, nhưng các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam vẫn thu hút lượng lớn đơn hàng.

Kim ngạch tăng gấp đôi

Theo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, ước tính xuất khẩu gỗ và các sản phẩm liên quan riêng trong tháng 5 đạt 1.4 tỷ USD, tăng 80,3% cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 5/2020.

Tháng 5 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ với ngưỡng 1,4 tỷ USD.

Còn theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng về xuất khẩu đồ gỗ, đã đạt 4,96 tỷ USD và tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây được coi là con số kỷ lục của ngành, vượt lên những tác động bởi đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới và Việt Nam.

Xuất khẩu gỗ đem về những tín hiệu vô cùng tích cực...

Trong khi các ngành hàng xuất khẩu khác chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, thì ngành gỗ lại tăng trưởng. Lý do vì dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng ở nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản...chi nhiều tiền hơn để thay đổi đồ nội thất.

Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong năm 2021, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu từ 14-15 tỷ USD. Từ này đến cuối năm các doanh nghiệp trong ngành sẽ có nhiều việc cần làm để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết.

Đây cũng là ngành xuất khẩu được nhận định có nhiều tiềm năng dư địa tăng trưởng theo nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, trong đó có UKVFTA để tăng xuất khẩu sang Anh.

Nhưng đà tăng trưởng có bị kìm hãm?

Nhận được những tín hiệu tích cực như vậy, nhưng hiện tại ngành gỗ đang có nguy cơ tăng trưởng chậm lại bởi những quy định mới liên quan tới những quy định siết chặt quản lý hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã phát các Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 và Công văn số 2424/TCT-TTKT ngày 22/5/2020, đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp về ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT.

Trả lời báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, vấn đề hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ đang gặp khó khăn cần được giải quyết. Nhất là việc xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và người dân trồng rừng là không phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.

...Tuy nhiên, liệu những quy định về hoàn thuế có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành?

Ông Thiện cho biết, công văn 2424/TCT-TTKT đã đề nghị Cục Thuế các địa phương thực hiện (thêm một số thủ tục) đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân. Như gỗ phải theo bảng kê hàng hóa, phải xác minh trực tiếp đến từng người dân dựa trên yếu tố rủi ro. Khi tiến hành thẩm tra phương tiện vận chuyển lại phải đối chiếu, rà soát giữa lịch trình di chuyển từng xe, từng lái xe... Những yêu cầu trên gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Giờ đây, doanh nghiệp khi tiến hành hoàn thuế phải làm đi xin xác minh trực tiếp từng người dân là bất khả thi. Nhất là các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn. Khi việc xác minh gặp quá nhiều trở lại thì thay vì chọn nguyên liệu từ trong nước, các doanh nghiệp sẽ chọn nguyên liệu nhập khẩu.

Như vậy, chỉ đạo của Tổng cục Thuế coi như đã phá vỡ chuỗi cung ứng với nguyên liệu, ảnh hưởng đến cả người trồng rừng. Giờ đây các vùng trồng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ sẽ bị ngưng trệ bởi đơn giản là chẳng có đầu ra.

Một khi đã mua nguyên liệu gỗ nhập khẩu của một số nước như Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, rất có khả năng sẽ bị đánh thuế cao. Bởi nước này đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc.

Do đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của toàn ngành.

Thậm chí, theo Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/2021 của Tổng cục Thuế thì mặt hàng gỗ cũng đã bị đưa vào diện rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao theo các Công văn số 2928/TCT-TTKT và 4569/TCT-TTKT, mặc dù mặt hàng gỗ xuất khẩu chỉ đem về giá trị thấp 15.000-25.000 USD/container 40ft.

Theo ông Thiện, giờ đây doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm rất nhiều công sức để thực hiện các công việc thanh, kiểm tra theo yêu cầu của ngành thuế. Khiến quỹ thời gian giành cho hoạt động sản xuất ngày càng ít đi dù đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/kim-ngach-xuat-khau-do-go-dat-ky-luc-nhung-van-gap-kho-33824.html

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu đồ gỗ tăng gấp đôi, nhưng doanh nghiệp nói Tổng cục Thuế 'đang chặn lại' tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất