Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup có trụ sở chính tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM, được thành lập vào năm 2014, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện tử viễn thông tin học Việt Nam.
Năm 2020, từ một doanh nghiệp khá “im hơi lặng tiếng”, VsetGroup đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố việc phát hành 2.050 trái phiếu với tổng giá trị 163,750 tỷ đồng, mức lãi suất dao động từ 15,8% - 20,3%/năm, kỳ hạn từ 1 – 5 năm.
Đến đầu năm 2021, doanh nghiệp này tiếp tục công bố việc phát hành 4.100 trái phiếu với tổng giá trị 327,5 tỷ đồng. Đặc biệt, mức lãi suất cho đợt phát hành trái phiếu này là 13,5% - 17,55% (hiện nay đã được điều chỉnh lên mức cao nhất là 18,8%).
Nhìn lại quá trình phát triển của VsetGroup, nhiều người không khỏi “giật mình”, không chỉ bởi sự phát triển “thần tốc” của công ty, mà còn do những lần thay đổi thông tin doanh nghiệp một cách liên tục. Cụ thể, từ khi thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của VsetGroup theo công bố đã tăng lên thành 500 tỷ đồng. Trong 6 năm này, VsetGroup cũng có 18 lần thay đổi thông tin doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện tử viễn thông tin học Việt Nam (tiền thân của Công ty VsetGroup) được thành lập vào ngày 26/3/2014 do ông Trương Ngọc Anh (SN 1988) làm người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng. Đến ngày 1/4/2016, công ty này đã chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, từ công ty TNHH MTV Công ty Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Điện tử viễn thông tin học Việt Nam thành Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Điện tử viễn thông tin học Việt Nam.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình đến 1/11/2018, công ty này đã thực hiện 11 lần thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật cũng thay đổi liên tục, từ ông Trương Ngọc Anh sang bà Trương Thị Tố Trinh, ông Lê Minh Quang hay ông Nguyễn Đình Trí. Đáng chú ý, trong lần đăng ký thay đổi lần thứ 7 ngày 4/12/2017, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Điện tử viễn thông tin học Việt Nam đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup và tăng vốn điều lệ lên tới 100 tỷ đồng.
Đến ngày 30/1/2019, công ty này đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ 12, nâng vốn điều lệ lên thành 150 tỷ đồng. Và từ ngày 30/1/2019 đến 14/1/2021, công ty này tiếp tục thực hiện thêm 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp. Đáng chú ý, có những lần đăng ký thay đổi, chỉ đơn giản là thêm hay bớt 1 số điện thoại vào trong giấy phép.
Ngày 25/1/2020, công ty thực hiện đăng ký thay đổi lần thứ 18, nâng vốn điều lệ lên thành 500 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Linh (SN 1997). Ít ngày sau đó, công ty này công bố việc phát hành 4.100 trái phiếu với tổng giá trị phát hành 327,5 tỷ đồng.
|
VsetGroup đã có 18 lần thay đổi thông tin doanh nghiệp trong vòng hơn 6 năm |
Nhìn vào quá trình hoạt động của VsetGroup, có lẽ nhiều người sẽ “choáng” bởi việc thay đổi thông tin doanh nghiệp liên tục. Tại sao lại phải thay đổi thông tin doanh nghiệp 1 cách liên tục như vậy? Điều này có liên quan gì đến việc phát hành trái phiếu và huy động vốn từ nhà đầu tư của VsetGroup hay không?
Phải biết, để thu hút sự quan tâm và dòng tiền của nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chứng tỏ được mình là công ty có tiềm lực, có khả năng sinh lời, và minh chứng tốt nhất, đó chính là sự phát triển liên tục qua từng năm. Ở một công ty cổ phần, cái mà người ta dễ dàng nhìn thấy đó chính là vốn điều lệ. Thế nhưng, liệu chỉ vào vốn điều lệ, liệu có phản ánh đúng thực trạng “sức khoẻ tài chính” của một doanh nghiệp hay không?
Điều 111 Luật Doanh nghiệp quy định: “Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và ghi trong điều lệ công ty”.
Giải thích về điều này, Luật sư Lê Ngô Trung, Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự cho biết, quy định của Luật Doanh nghiệp có nghĩa là, một công ty cổ phần muốn đăng ký vốn điều lệ, thì chỉ cần có biên bản “hứa mua” của cổ đông. “Chẳng hạn, muốn đăng ký vốn điều lệ là 100 tỷ đồng hay 1.000 tỷ đồng, thì chỉ cần có trong tay biên bản hứa mua, sao cho đủ “có người đã đăng ký mua 100 tỷ, 1.000 tỷ đồng cổ phần” là sẽ được Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc điều chỉnh giấy phép kinh doanh theo số vốn điều lệ đó”, Luật sư Trung nói.
Cũng theo Luật sư Trung, tại Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp quy định “các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Điều này có nghĩa, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc đăng ký vốn điều lệ mới chỉ là “hứa mua”. Nhưng sau khi được Sở KH&ĐT cấp giấy phép, trong vòng 90 ngày các bên phải thực hiện việc mua bán này và gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của công ty, làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
|
Bảng lãi suất trái phiếu công ty VsetGroup |
Nếu trong trường hợp việc “hứa mua” không thực hiện đúng như cam kết, sau 90 ngày theo quy định, Sở KH&ĐT sẽ điều chỉnh lại giấy phép theo đúng số tiền mà các cổ đông của công ty thực hiện việc mua bán. Chẳng hạn, trong 90 ngày, những người “hứa mua” chỉ tiến hành mua được 1 tỷ thay vì 100 tỷ hay 1.000 tỷ như đăng ký ban đầu, thì doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh vốn điều lệ lại thành 1 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo Luật sư Trung, hiện nay, đang có kẽ hở khá lớn trong Luật Doanh nghiệp. Đó là khi điều chỉnh hoặc thay đổi lại giấy phép kinh doanh, cơ quan chức năng sẽ không thu hồi lại giấy phép cũ. Điều này khiến cho một doanh nghiệp có thể có 2 hay nhiều giấy phép kinh doanh.
“Doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 1.000 tỷ, sau 90 ngày, chỉ nộp được 1 tỷ, Sở KH&ĐT sẽ điều chỉnh lại vốn điều lệ thành 1 tỷ theo đúng thực tế số tiền công ty này nộp vào tài khoản. Thế nhưng, giấy đăng ký 1.000 tỷ lại không thu lại. Với những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, hoàn toàn có thể mang giấy phép đăng ký kinh doanh, ghi vốn điều lệ 1.000 tỷ để đi lừa khách hàng. Nếu không kiểm tra kỹ, khách hàng rất dễ rơi vào bẫy”, Luật sư Trung nói.
Như vậy ở đây, việc VsetGroup liên tục thay đổi thông tin doanh nghiệp trong hơn 6 năm qua, liệu có phải là cách “lách luật” thông qua “lỗ hổng” của Luật Doanh nghiệp? Để trả lời câu hỏi này, cần thiết phải có sự vào cuộc, thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị thuế.
Và như đã nói ở bài trước, nếu “sức khoẻ tài chính” của VsetGroup thực sự ổn như quá trình tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp này, thì tại sao công ty lại không vay vốn ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn, mà lại chấp nhận bỏ ra tới 18,8%/năm để huy động vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Theo Chất lượng Việt Nam Online