Covid-19 đang khiến ngành ô tô lao đao
Kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2020, hoạt động kinh doanh ô tô tại Việt Nam đang rơi vào trạng thái “hãm phanh”, tốc độ chậm dần rồi gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vào thời điểm tâm đại dịch trong quý I/2020, doanh số xe mới toàn cầu giảm 26% xuống 17,42 triệu xe - một con số đáng kể.
Trong khi doanh số ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và khối CIS giảm không đáng kể thì doanh số các thị trường lớn ở Châu Âu lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trung Quốc, Mỹ Latin và Mỹ cũng sụt giảm với tỉ lệ 2 chữ số trong quý I.
Xe đô thị và MPV là những phân khúc xe chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19. Ngược lại, xe điện vẫn có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc với thị phần cao hơn bao giờ hết. Đặc biệt phải kể đến Tesla Model 3 khi vươn lên vị thế bán chạy số 1 tại châu Âu.
|
Covid-19 sẽ thay đổi cách thế giới bán ô tô mãi mãi
Ford đang tăng cường các công cụ trực tuyến hiện có để hỗ trợ bán hàng ảo thông qua các đại lý. LaNeve Giám đốc bán hàng tại Mỹ của hãng sản xuất ô tô Ford nhận định: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy doanh số bán hàng trực tuyến trong dài hạn. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng mảng bán xe online sẽ phát triển mạnh ngay cả khi đại dịch qua đi".
Theo LaNeve, khoảng 93% trong số 3.100 đại lý tại Mỹ của Ford đang chuyển sang bán hàng trực tuyến. Họ cung cấp tour trải nghiệm xe ảo, mở khoản vay online và giao xe tại nhà. Chính vì vậy, khách hàng không cần ra ngoài mới mua được xe như trước kia.
Trên thực tế, dịch vụ giao xe tại nhà đã có từ cách đây 20 năm nhưng được triển khai rất ít. Còn ở thời điểm hiện tại, đây đang trở thành xu hướng phổ biến khi cả người bán và người mua phải thích ứng với hoàn cảnh.
Mua ô tô vì dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19
Suốt từ năm 1999 đến nay, Rebecca Coleman chưa từng nghĩ đến chuyện sở hữu 1 chiếc xe hơi. Nhưng đầu tháng 3 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu càn quét New York, cô ngày càng e ngại về việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đã mua 1 chiếc ô tô hãng Honda từ 1 đại lý ở Queens, sau khi trao đổi qua chat video.
"Tôi từng không muốn có 1 chiếc xe, nhưng giờ thì cần có xe riêng để tới thăm người thân đang sống bên ngoài thành phố 1 cách an toàn. Về cơ bản thì dịch bệnh đã làm tôi thay đổi nhiều suy nghĩ cố hữu. Chắc ai cũng vậy", cô nói.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng doanh số bán ra lao dốc thảm hại và tương lai là nhiều tháng bất ổn sau khi đã mở cửa nhà máy trở lại, câu chuyện của Coleman đang đem đến niềm hi vọng nhỏ bé cho ngành này.
Từ nhiều năm nay, các hãng đứng ngồi không yên khi chứng kiến tỷ lệ sở hữu xe liên tục giảm trong nhóm người trẻ và dân thành phố, vì các phương tiện giao thông công cộng ngày càng tốt hơn và sự phổ biến của những dịch vụ đi chung xe khiến sức hấp dẫn của việc có 1 chiếc xe riêng giảm đi đáng kể. Từ General Motors đến Daimler đã chi hàng tỷ USD nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới, ví dụ như đầu tư vào mảng đi chung xe, dịch vụ taxi hay đưa ra những lựa chọn giúp khách hàng có thể sử dụng xe mà không cần mua.
Nhưng Covid-19 có thể khiến mọi chuyện đảo lộn.
Doanh số ô tô bán ra ở Trung Quốc đã hồi phục nhanh đến mức khó ai có thể tưởng tượng ra. Con số của tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, Volvo báo cáo doanh số ở Trung Quốc cao hơn 20% so với 2019.
Các giám đốc marketing đã ngay lập tức "lợi dụng" tâm lý sợ sử dụng phương tiện công cộng của người tiêu dùng. Trên báo chí Đức mới đây xuất hiện mẩu quảng cáo có hình ảnh chiếc ô tô Volkswagen Tiguan đeo 1 chiếc khẩu trang khổng lồ, đi kèm dòng chữ lớn được viết hoa in đậm: "AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT".