MCredit: 'Sống nhờ' vào ngân hàng mẹ, tín dụng tăng nóng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh

sở hữu trí tuệ 10:30 05/04/2022

Tăng trưởng tín dụng tại Mcredit phụ thuộc nhiều vào 2 ngân hàng mẹ Shinsei Bank và MB. Do đó luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao kéo theo tỷ lệ nợ xấu của MCredit tăng nhanh chóng.

MCredit được thành lập năm 2016 do ngân hàng MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Năm 2017, MB bán 50% vốn cho ngân hàng Shinsei của Nhật Bản. So với FE Credit hay HD Saison thì M-Credit là công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều và tuổi đời cũng ít hơn.

Tháng 3/2018, MCredit tăng vốn điều lệ lên mức 800 tỷ đồng, trong đó MB vẫn giữ tỷ lệ góp vốn 50%. Đến tháng 11/2021, MCredit tăng vốn điều lệ lên mức 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân hàng MB vẫn giữ tỷ lệ góp vốn 50%, Shinsei Bank sở hữu 49% và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành sở hữu 1%.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của MCredit cũng liên tục tăng qua từng năm, vào cuối năm 2020 đạt 1.432 tỷ đồng, gần gấp 3 lần thời điểm mới thành lập. Quy mô tổng tài sản tăng vọt lên 12.849 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cuối năm 2019 và gấp 25,5 lần thời điểm cuối năm 2016.

So với FE Credit hay HD Saison thì M-Credit có quy mô khiêm tốn

Ngày 24/6/2020, MB tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Liên quan đến khoản nợ xấu tại MCredit khiến tổng nợ xấu của MB tăng, có cổ đông đặt câu hỏi, liệu có phải MB "hi sinh" nợ xấu vì lợi nhuận, bà Vũ Thị Hải Phượng, Phó Chủ tịch HĐQT MB kiêm Chủ tịch MCredit khẳng định, MCredit được xác định là một trong những trụ cột lợi nhuận của MB thời gian tới.

Tuy nợ xấu của MCredit cao hơn nợ xấu của MB nhưng điều này là bình thường công ty hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Theo thông lệ thế giới, nợ xấu của công ty tài chính dưới 10% là bình thường, dưới 5% là tốt.

Vậy nợ xấu tại Mcredit đang ra sao?

Năm 2021, doanh thu của MCredit đạt 4.595 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 601 tỷ đồng, tăng vọt tới 87%. Riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 86 tỷ đồng, quý 4 đạt khoảng 169 tỷ đồng.

Cùng với lợi nhuận, dư nợ cho vay khách hàng tại Mcredit tăng liên tục từ mức 1.550 tỷ đồng vào cuối năm 2017 lên hơn 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, gấp 6,6 lần tương đương với tăng trưởng kép 87%/năm và đứng thứ 4 trong số các công ty tài chính tiêu dùng.

Mức tăng trưởng tích cực của MCredit được đánh giá đến từ việc ký kết hợp tác với các đối tác lớn như VietttelPay và kết hợp với một số sản phẩm bán qua kênh số của ngân hàng mẹ cũng như khai thác cơ sở dữ liệu từ hệ sinh thái MB trong các lĩnh vực Chứng khoán, Quản lý Quỹ, Quản lý nợ và khai thác tài sản, Bảo hiểm, Bất động sản.

Mức sinh lời trên tổng tài sản (ROAA) năm 2020 chỉ đạt chưa đến 2%, thấp hơn so với mức bình quân 4% các công ty top đầu chủ yếu do chiến lược cho vay giai đoạn trước chưa hiệu quả dẫn đến việc trích lập dự phòng rủi ro cao. Trong hai năm gần nhất 2019 và 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm tới 83,7% và 89,8% lãi thuần tự hoạt động kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng nóng cũng kéo theo tỷ lệ nợ xấu của MCredit tăng nhanh chóng, từ mức 2,17% cuối năm 2017 lên 6,38% tại cuối năm 2020 và 6,51% cuối quý 1/2021.

Hiện MCredit chưa công bố rõ về nợ xấu tính đến cuối năm 2021, song ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 940 tỷ đồng, do đó tỷ lệ nợ xấu ở mức khoảng 6,22%.

Tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn do một phần dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với đối tượng khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đặc thù khách hàng thuộc nhóm có thu nhập thấp và địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực miền Nam (chiếm 60% cả nước) là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chất lượng tín dụng của MCredit dự kiến sẽ suy giảm trong thời gian tới.

Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn CAR của MCredit cuối năm 2020 đạt 10,5% (theo cách tính tại Thông tư 36), cao hơn so với quy định là 9% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong nhóm các công ty tài chính (tỷ lệ này của FE Credit, Home Credit và HD SAISON quanh mức 18-20%).

Tại buổi sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của nhóm công ty tài chính thành viên của Hiệp hội ngân hàng (VNBA), tổng dư nợ tín dụng của nhóm công ty này gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân đã tăng từ 6% cuối năm 2020 lên 9 - 10% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng do đặc thù nhóm khách hàng của các công ty tài chính chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, không ổn định, món vay nhỏ lẻ,... có rủi ro cao.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/mcredit-song-nho-vao-ngan-hang-me-tin-dung-tang-nong-keo-theo-ty-le-no-xau-tang-nhanh-d77532.html

Bạn đang đọc bài viết MCredit: 'Sống nhờ' vào ngân hàng mẹ, tín dụng tăng nóng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược
Tin tức mới nhất