Gói hỗ trợ lãi suất - vực dậy doanh nghiệp giữa ‘bão’ Covid-19

VIETQ 14:12 12/10/2021

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiề, hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất “đúng” và “trúng” từ phía Chính phủ để tồn tại và phát triển.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiêp lao đao, thậm chí rơi vào tình trạng “hấp hối”. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 16 ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính là 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện tháng 8 vừa qua đối với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh: có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1 đến 3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết: Có khoảng 26,8% doanh nghiệp công nghiệp thiếu vốn có nhu cầu vay vốn. Những năm không có dịch thì tỷ lệ vay vốn ít nhất là 50%-70%. Vay và quay vòng đó là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng vào thời kỳ dịch bệnh, doanh nghiệp không sản xuất được thì tỷ lệ vay vốn thấp vì không có cơ hội sản xuất.

Trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng có đề xuất: Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất một năm, trong đó ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận định, hiện nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống. Để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” và thực thi nhanh vào cuộc sống, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn gợi mở, gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất hiện nay vẫn là việc gia hạn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ. Cụ thể, cần thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các doanh nghiệp bị tác động nặng nề.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.

“Nhưng tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách chúng ta phải tính toán tới hai mục tiêu: Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, và kiểm soát lạm phát. Không bảo đảm được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế” - ông Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ.

Vì vậy, tới đây, ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu thực hiện gói hỗ trợ này. NHNN cũng sẽ báo cáo các cấp thẩm quyền được áp dụng cơ chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này.

Còn theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh: Quy mô gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt.

”Điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được. Nếu theo Luật các Tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp tiếp cận được rất ít, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm. Do vậy, nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp thật sự khó khăn thì phải có quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ, để không ảnh hưởng tới các TCTD” - TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Link gốc : https://vietq.vn/cac-goi-ho-tro-lai-suat-giup-vuc-day-doanh-nghiep-giua-con-bao-covid-19-d192493.html

Bạn đang đọc bài viết Gói hỗ trợ lãi suất - vực dậy doanh nghiệp giữa ‘bão’ Covid-19 tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược
Tin tức mới nhất