Cần coi liêm chính là 'nguồn vốn' quan trọng của doanh nghiệp

NGƯỜI ĐƯA TIN 09:19 07/04/2022

Nếu không có liêm chính thì doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị tổn thất rất nhiều, ngược lại, khi tuân thủ, tất cả sẽ được hưởng lợi.

Kinh doanh làm sao để giấc ngủ được bình an thư thái

Ngày 6/4, phát biểu tại Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công” do VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức, ông Darko Pavlovic, quản lý Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”, UNDP nhận định, nếu không có liêm chính thì doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị tổn thất rất nhiều.

Ngược lại, khi tuân thủ được điều này, tất cả sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Khi thực thi liêm chính, minh bạch không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.

“Vì thế phải làm kinh doanh theo phương thức là phải làm sao cho giấc ngủ của chúng ta được bình an thư thái”, ông Darko nhấn mạnh.

Có thể đưa liêm chính vào chương trình đào tạo, coi là một nguồn vốn ban đầu để startup bên cạnh nguồn vốn tài chính

Mặt khác, điều đã và đang diễn ra trên thế giới là các doanh nghiệp không chỉ chú ý đến việc kiếm lợi nhuận, mà họ ngày càng quan tâm đến vấn đề làm sao có thể giúp đỡ được cho xã hội, đóng góp được cho xã hội, hỗ trợ ra sao cho các thế hệ tương lai.

Từ đó, liêm chính trong doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của những gì họ cần làm, để có một xã hội hoạt động kinh doanh mang tính bền vững.

Để minh chứng cho điều đó, ông cho biết, tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua, đa số các doanh nhân trẻ được hỏi, có 74% cho rằng, tham nhũng đang kìm giữ sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, 73% nói rằng nó gây ra những tổn thất cho xã hội và hơn 50% các bạn trẻ sinh năm 2000 trở lên chia sẻ, hiện tại không có được những công cụ có thể chống tham nhũng trong xã hội của họ.

Từ những con số cụ thể, có thể thấy, giới trẻ và đặc biệt là những doanh nhân trẻ, rất mong muốn được chống tham nhũng, bắt đầu từ chính hoạt động kinh doanh của họ.

Xu hướng chung là vậy, nhưng vấn đề mà các startup gặp phải trong triển khai thực tế là gì?

Theo ông Mai Hữu Tài, Thành viên Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam, Sáng lập của Dichobiet cho biết, là một startup đồng thời là người hỗ trợ cộng đồng startup, ông nhận thấy, nhiều doanh nghiệp truyền thông, lan tỏa theo chiều rộng về kinh doanh liêm chính nhưng còn thiếu thống kê về chiều sâu con số những doanh nghiệp làm được .

Bên cạnh đó, sự lan tỏa với các doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế, hiểu biết về Luật Phòng chống tham nhũng, kinh doanh còn thiếu hụt.

“Chúng ta có đầy đủ những thông tin về kinh doanh liêm chính, cụ thể những văn bản quy phạm pháp luật tới các startup. Nhưng làm sao vừa lan toả về chiều rộng vừa mở rộng về chiều sâu là vấn đề cần đạt được”, ông Tài bày tỏ.

Từ đó, cần đưa các bài học thực tế đưa tới các đối tượng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn, bởi thực tiễn việc ứng dụng mạch lạc cụ thể của kinh doanh liêm chính còn hạn chế.

Hơn nữa, ông kiến nghị, có thể đưa liêm chính vào chương trình đào tạo, coi là một nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp bên cạnh nguồn vốn tài chính.

Sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và họ thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI

Đồng thời, đại dịch COVID-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công. Tham nhũng cũng tạo ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ đó, đại diện VCCI đưa ra cam kết, VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng UNDP, Đại sứ quán Anh Quốc và các đối tác nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch tại Việt Nam.

Về những chương trình hỗ trợ đã và đang triển khai, ông cho biết, cách đây hơn 7 năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9966/VPCP – V.I ngày 12/12/2014 về thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Đây có thể coi là bước đi mạnh mẽ để khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham nhũng, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đã khởi xướng một số sáng kiến, chương trình và giao cho Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững – đơn vị tiên phong về thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó liêm chính doanh nghiệp là một trong các nội hàm chính của phát triển bền vững.

Mặt khác, mới đây nhất, VCCI đã khởi xướng Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính tại Việt Nam – VBIN, hiện tại đã thành lập, ra mắt Tổ Cố vấn chuyên môn VBIN với hơn 20 cơ quan, tổ chức và các chuyên gia cam kết tham gia.

Một trong các sản phẩm chính là xây dựng Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam – VBII để làm công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá tình hình tổng thể về tính liêm chính của doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp để cải thiện theo hướng phát triển bền vững

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/can-coi-liem-chinh-la-nguon-von-quan-trong-ban-dau-cua-doanh-nghiep-a548959.html

Bạn đang đọc bài viết Cần coi liêm chính là 'nguồn vốn' quan trọng của doanh nghiệp tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược
Tin tức mới nhất