Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), vốn nhà nước đầu tư tại TKV tại thời điểm 31/12/2018 là 35.000 tỷ đồng, TKV báo cáo đã thực hiện các biện pháp để bảo toàn vốn như: thực hiện đúng chế độ quản lý vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán theo quy định; mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số tồn tại tiềm ẩn rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn của Công ty mẹ TKV. Cụ thể:
Về trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, theo báo cáo, Công ty mẹ TKV đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị là 21,644 tỷ đồng, báo cáo tài chính hợp nhất là 44,565 tỷ đồng. Qua công tác kiểm soát của Ban Kiểm soát tại Công ty mẹ và một số công ty con vẫn còn một số vật tư chậm luân chuyển, tiềm ẩn rủi ro giảm giá có khả năng mất vốn.
Chẳng hạn, tại Tập đoàn có lô hàng tồn kho là các sản phẩm tinh quặng, Tập đoàn mua lại của Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa từ năm 2016, 2017 và 2018 với giá trị lũy kế là 33,221 tỷ đồng chưa tiêu thụ được do chưa phải là sản phẩm cuối cùng.
Tại Ban quản lý chuyên ngành mỏ than – đơn vị thuộc Công ty mẹ TKV còn một số vật tư là động cơ tàu thu hồi công nợ của Công ty CP đóng tàu Sông Ninh gồm 02 hệ thống thiết bị động lực tàu thủy 7000-8000DWT có giá trị 85,066 tỷ đồng đến nay chưa có phương án sử dụng 02 hệ thống này. TKV đã thuê tổ chức tư vấn thẩm định giá xác định lại giá trị của 05 vỏ tàu và 02 hệ thống thiết bị động lực tàu và đã bán đấu giá tài sản nhưng chưa thành công.
|
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số tồn tại tiềm ẩn rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn của Công ty mẹ TKV |
Hiện một số đơn vị đang hạch toán một số khoản chi phí trong danh mục hàng tồn kho là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tồn đọng từ các năm trước chưa xử lý như: Công ty TNHH MTV Môi trường là chi phí liên quan đến dự án tuyển băng tải ông Mạo Khê là 37,567 tỷ đồng; Chi phí thực hiện sự án của Công ty than Vàng Danh là hơn 6 tỷ đồng; Viện Cơ khí năng lượng mỏ hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang thiếu cơ sở khoảng trên 15 tỷ đồng; Viện Công nghệ mỏ là các chi phí sửa chữa và giá trị vật tư chậm luôn chuyển với giá trị hơn 15 tỷ đồng; Công ty CP Địa chất khoáng sản hạch toán cho chi phí dở dang hơn 17 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, theo báo cáo tài chính năm 2018, Công ty mẹ TKV đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 250,741 tỷ đồng, báo cáo hợp nhất là 351,351 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn một số khoản nợ phải thu hoặc nợ phải thu khó đòi tiềm ẩn rủi ro và khả năng thu hồi công nợ như: Công ty lâm nghiệp Vân Đồn: 25,243 tỷ đồng; Công ty Lâm nghiệp Uông Bí: 14,646 tỷ đồng; Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên: 12,336 tỷ đồng; Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả: 17,746 tỷ đồng; Công ty Lâm nghiệp Bình Liêu: 12,653 tỷ đồng…
Đối với việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính, theo báo cáo Công ty mẹ TKV đã thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính là 369,161 tỷ đồng, báo cáo hợp nhất là 81,145 tỷ đồng.
Qua rà soát của Ban Kiểm soát cho thấy còn một số đơn vị lỗ phát sinh năm 2018 hoặc lỗ lũy kế nhưng báo cáo tài chính chưa thực hiện trích lập dự phòng như: Công ty CP Đồng Tà Phời là công ty con do TKV cam kết góp 51% vốn điều lệ, hiện tỷ lệ góp vốn của TKV là 61,7% trên vốn chủ sở hữu do một số cổ đông không tiếp tục góp vốn theo tiến độ thực hiện dự án, Công ty đi vào sản xuất từ tháng 4/2018 và có kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ là 23,048 tỷ đồng.
Theo Thu Hằng/Tài chính Doanh nghiệp