Sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam
Phát biểu trước 1.000 doanh nhân tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua.
Thành tựu này có sự đóng góp quan trọng, thậm chí là quyết định của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
|
Ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. |
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do qui mô doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, môi trường kinh doanh chưa được hấp dẫn và đặc biệt là “cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được như cầu của doanh nghiệp và người dân”.
“Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có những thay đổi phù hợp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu thành tựu của nhân loại để phát triển một Việt Nam hùng cường.
Sức mạnh thần kỳ
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận về cơ hội, thách thức và hàm ý chiến lược cho doanh nghiệp Việt – tầm nhìn 2045.
|
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC (thứ 2 từ phải sang) cùng các doanh nhân tham dự tọa đàm. |
Trả lời cho câu hỏi phải làm thế nào để các tập đoàn kinh tế Việt Nam có thể đưa Đất nước lập nên những kỳ tích như Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, tinh thần của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ là yếu tố tiên quyết.
Nhắc lại câu chuyện khởi nghiệp của Sony giữa cảnh hoang tàn, đổ nát của xã hội Nhật ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bà Dung nhấn mạnh thông điệp của ông Masaru Ibuka - một trong hai người sáng lập Sony trong lễ thành lập công ty năm 1946, rằng: “Phải dùng sức mạnh của công nghệ để cống hiến vào việc phục hưng kinh tế của Tổ quốc chúng ta”.
Từ sứ mệnh lấy đại cục làm trọng này, chỉ trong vài mươi năm, Sony đã trở thành công ty dẫn đầu thế giới về đồ điện gia dụng và trở thành biểu tượng của hàng công nghiệp chất lượng cao.
Tương tự với Sony, nhà sáng lập của hãng Huyndai, ông Chung Ju Yung cũng có phát ngôn hết sức ấn tượng: “Huyndai chúng tôi không phải là tập hợp những kẻ đi buôn, mà là những người có vai trò dẫn đầu trong việc phát triển kinh tế Đất nước”.
“Có thể nói chính tinh thần doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân với niềm tự tôn dân tộc sâu sắc và khát vọng đưa Đất nước trở nên hùng cường đã góp phần làm nên những điều kỳ diệu cho Nhật Bản và Hàn Quốc”, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn về “tinh thần doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc FLC cho rằng đây không phải khái niệm trừu tượng mà cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể và trực tiếp, từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.
Doanh nghiệp cần gìn giữ tinh thần tự lực tự cường qua con đường kinh doanh, làm ăn chân chính; dám đương đầu với thách thức; sẵn sàng chọn lối đi riêng; không ngừng đổi mới, học hỏi và hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa Việt Nam vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Với riêng Tập đoàn FLC, như chính Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã không ít lần bày tỏ, khát vọng của chúng tôi là có thể góp phần xây dựng nền du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành công nghiệp du lịch phát triển bền vững, theo đúng định hướng mà Đảng, Nhà nước đưa ra đó là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất nước. Việt Nam cần trở thành cường quốc về du lịch, sánh ngang với những quốc gia như Thái Lan hay Singapore”, bà Dung nhấn mạnh và cho rằng đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện nếu muốn đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, phát triển giàu mạnh, phồn vinh vào 2045 như mong muốn của Thủ tướng.
Nhìn ra thế giới, Thái Lan không có các tiềm năng cảnh quan, di sản nổi bật như Việt Nam nhưng du lịch nước này đang đóng góp khoảng 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái Lan, tức khoảng 20%. Con số này của Việt Nam ước tính mới chỉ trên dưới 7 – 8%. Du lịch Việt Nam đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp có định hướng đầu tư quy mô và lâu dài trong lĩnh vực này.
|
Các đại biểu doanh nhân tham dự hội nghị. |
Đồng thuận với quan điểm về “tinh thần doanh nghiệp” của bà Dung, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup cho hay, nếu có thể khơi dậy cho thế hệ trẻ tinh thần khởi nghiệp, những ý chí khát khao chiến đấu thực sự giống như thời chiến thì chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh rất khủng khiếp của hơn 100 triệu dân.
“Chúng ta đang có một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Nếu ngày trước tài sản của doanh nghiệp là đất đai, nhà xưởng thì hôm nay tài sản của doanh nghiệp là trí tuệ, con người. Cần giáo dục tinh thần yêu nước, ước mơ, hoài bão cũng như làn sóng Công nghệ 4.0 hay xu hướng toàn cầu hóa cho giới trẻ, cho doanh nghiệp trẻ.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những hành động cụ thể và mạnh mẽ để tạo ra hành lang pháp lý thật tốt nhằm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp này. Làm sao để kết nối được các lớp doanh nghiệp đi trước với doanh nghiệp đi sau để giảm bớt thất bại trong khởi nghiệp, đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, qua đó thay đổi vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới", ông Thuỷ nói.
Theo Hà Linh/Đời Sống & Tiêu Dùng