Tại sao “người khổng lồ” Samsung thất thủ tại thị trường Trung Quốc?

Theo ANTT 11:57 04/10/2019

Samsung đã không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc những năm gần đây do áp lực bởi sức cạnh tranh từ các thương hiệu nội địa Trung Quốc như xiaomi, oppo,...

Theo Vietnamnet, hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics cho biết, vào ngày 2/10 vừa qua, hãng đã chính thức ngừng sản xuất điện thoại tại Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với đối thủ nội địa, cũng là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng của Samsung tại thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) Trung Quốc đã đóng cửa sau khi hãng cắt giảm sản xuất của nhà máy ở phía nam thành phố Huệ Châu tháng 6/2019 và ngừng một nhà máy cuối năm ngoái.

Động thái này của "người khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh đang có một làn sóng nhiều nhà sản xuất khác chuyển dời hoạt động ra ngoài Trung Quốc do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế.

Tại sao vậy?

Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết, thị phần của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã giảm xuống 1% trong quý đầu tiên năm nay so với khoảng 15% vào giữa năm 2013, do họ đã thất bại trước các thương hiệu nội địa đang phát triển nhanh như Huawei Technologies và Xiaomi Corp.

Trong thời kỳ hoàng kim, Samsung từng chiếm hơn 20% thị phần smartphone tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng sự cạnh tranh gắt gao từ các thương hiệu nội địa như Huawei, Xiaomi, Oppo khiến công ty Hàn Quốc dần lép vế và hiện chỉ còn dưới 1% thị phần trong 2018.

Trong thời kỳ hoàng kim, Samsung từng chiếm hơn 20% thị phần smartphone tại Trung Quốc.

Sự lớn mạnh của các thương hiệu giá rẻ Trung Quốc đã khiến cho Samsung không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc những năm gần đây. Thay vào đó, hãng tập trung cho các thị trường đang phát triển, có nhu cầu mua cao hơn, chẳng hạn Ấn Độ và Việt Nam.

Theo thông tin từ Thanhnien, được biết Xiaomi, hãng điện thoại di động được mệnh danh là "Apple của Trung Quốc", tăng trưởng mạnh kể từ năm 2015 và hiện đã xuất hiện tại hơn 80 thị trường quốc tế.

Xiaomi hiện là hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất Ấn Độ, gần đây trở thành doanh nghiệp trẻ nhất trong danh sách Fortune Global 500.

Thị trường Đông Nam Á đang ngày càng bị chi phối bởi các hãng điện thoại thông minh tới từ Trung Quốc. Các thương hiệu này trải dài từ dòng máy bình dân đến trung cấp. Khoảng 75% số máy bán ra có mức giá dưới 200 USD, tương đương 5 triệu đồng.

Diễn biến này đẩy các thương hiệu như Apple, Huawei ra khỏi top số lượng bán ra. Gsmarena cho biết thị trường Đông Nam Á cũng rất đặc thù khi người dùng rất năng động, sẵn sàng thay đổi thương hiệu đang sử dụng.

Samsung rất phổ biến tại thị trường Đông Nam Á nhưng tại Philippines chỉ đứng thứ hai sau Oppo.

Theo Toquoc, Park Sung-Soon, nhà phân tích tại Cape Investment & Securities, cho biết: "Tại Trung Quốc, mọi người mua điện thoại thông minh giá rẻ từ các thương hiệu nội địa và điện thoại cao cấp từ Apple hoặc Huawei. Samsung không có nhiều hy vọng để hồi sinh thị phần của mình".

Samsung đã đưa ra quyết định khó khăn này trong nỗ lực tăng cường sự hiệu quả trong hoạt động tổng thể. Tuy nhiên, tập đoàn nói rằng vẫn sẽ tiếp tục bán hàng tại Trung Quốc.

Đóng cửa nhà máy nhưng Samsung vẫn bán điện thoại tại Trung Quốc

Dù đóng cửa nhà máy, Samsung vẫn tiếp tục kinh doanh smartphone tại thị trường Trung Quốc. "Sản xuất thiết bị sẽ được phân bổ lại tới các cơ sở sản xuất toàn cầu khác, tùy thuộc vào chiến lược sản xuất toàn cầu của chúng tôi dựa trên nhu cầu thị trường", Samsung cho biết trong một tuyên bố và không đưa ra đánh giá gì thêm.

Trong những năm gần đây, Samsung đang mở rộng sản xuất điện thoại thông minh ở các nước có chi phí thấp hơn, như Ấn Độ và Việt Nam.

Reuters cũng cho biết khi ngừng hoạt động tại Trung Quốc, dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ - nơi Samsung đang đặt nhiều nhà máy. Một số chuyên gia dự đoán, sản lượng smartphone ở hai quốc gia này nhiều khả năng tăng nhẹ thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Tại sao “người khổng lồ” Samsung thất thủ tại thị trường Trung Quốc? tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu
Tin tức mới nhất