|
Theo Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng số hàng tồn kho năm 2018 là 146.811 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2017, chiếm 6%/Tổng tài sản (Công ty mẹ là 49.508 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2017, chiếm 3%/Tổng tài sản).
Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị hàng tồn kho lớn như: Petro Vietnam (24.730 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel (19.907 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (17.175 tỷ đồng); Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - TKV (12.345 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - vINACHEM (9.680 tỷ đồng); Tổng công ty Thuốc lá (9.290 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (7.783 tỷ đồng)...
Năm 2018, các tập đoàn, tổng công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tạo nguồn tài chính nhằm bù đắp tổn thất trong trường hợp giá hàng hóa giảm, bảo toàn vốn với số tiền là 2.001 tỷ đồng (Công ty mẹ là 415 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ số Vòng quay hàng tồn kho (Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân) của các Công ty mẹ năm 2018 là 13,41 lần, cho thấy các Công ty mẹ có tình hình tiêu thụ hàng hóa tốt, hàng tồn kho không bị ứ đọng nên giảm thiểu được rủi ro về tài chính đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ tiêu này cần được xem xét gắn với tính chất ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường. Do đó, chỉ số này cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ dự trữ nguyên vật liệu đầu vào cho khâu sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo Tài chính Doanh nghiệp