Làn da của trẻ rất nhạy cảm và dễ gặp phải tình trạng viêm nhiễm, nấm ngứa hoặc rôm sảy... nhất là thời tiết nồm ẩm, nắng nóng. Để khắc phục tình trạng này nhanh chóng và đơn giản chính là sử dụng kem bôi da. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc bôi da cho phù hợp với từng trẻ không hề đơn giản...
Một trong những tác dụng của thuốc bôi da là giúp làn da có thể làm giảm các triệu chứng viêm như: nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, da khô, bong tróc vảy... và ngăn ngừa biến chứng do các tình trạng này gây ra. Nguyên nhân của chứng viêm da có thể do dị ứng với phấn hoa, lông động vật, hóa chất, thời tiết... khiến da bị kích ứng.
Khi bị nhiễm nấm, ký sinh trùng, làn da sẽ ngứa, gây nhiễm trùng mức độ nhẹ và không nguy hiểm. Các loại nấm dễ mắc phải gồm có: nấm chân, nấm men, nấm ngoài da, nấm móng tay, nấm miệng... Nhiễm trùng da do ký sinh trùng gây ra thường là chấy rận, rệp, ghẻ...
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bôi da cần có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng, dùng theo mách bảo... có thể không làm trẻ khỏi khó chịu trên da mà còn khiến trẻ dễ bị ngộ độc, bệnh nặng hơn.
|
Tránh sử dụng một số thuốc bôi ngoài da cho trẻ nhỏ vì dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa |
Trước đây khá lâu đã xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh bị ngộ độc thần kinh do dùng xà bông chứa hexaclorophen (có tên Phisohex) gội đầu, hexaclorophen thấm qua da vào hệ thần kinh của trẻ và gây độc. Hoặc đầu năm 2009, một nghiên cứu ở Mỹ báo cáo nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do được bôi vùng da ở mũi dầu gió có chứa tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu long não (camphor) và methyl salicylat bị kích ứng mạnh làm ngưng hô hấp.
Hoặc ở TP.HCM, cách đây khá lâu đã xảy ra một số trường hợp trẻ sơ sinh bị ngộ độc do bôi phấn rôm (bột rắc) có chứa warfarin (chất tạo mùi thơm nhưng đồng thời có tác dụng gây xuất huyết).
Các trường hợp nêu trên cho thấy, tuyệt đối không được dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi trẻ (các bà mẹ sau khi sinh tránh dùng dầu gió, loại dầu dùng được là dầu bạch đàn còn gọi là dầu khuynh diệp, dầu tràm). Còn xà bông, phấn rôm dùng cho trẻ cũng phải thật thận trọng trong chọn lựa sử dụng.
Ở đây, xin được nhấn mạnh về việc sử dụng thuốc bôi ngoài da dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có chứa dược chất glucocorticoid (gọi tắt corticoid). Một số biệt dược có thể kể: Cortibion, Celestoderme, Synalar, Halog, Hydrocortisone, Flucinar, Topsyne, Betneval… và cả chục tên biệt dược khác.
Nên lưu ý rằng các loại corticoid nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên da mặt lâu ngày sẽ thấy bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm).
Các cô gái trước tuổi dậy thì nếu bôi lên da diện rộng, lâu ngày bị rối loạn sự phát triển hệ lông. Cũng do corticoid có thể thấm qua da vào máu mà có chống chỉ định (tức không được dùng) ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi. Bôi ngoài da ở trẻ, thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng ở nơi bôi làm bùng phát hiện tượng nhiễm khuẩn (có trường hợp bị hoại tử đầu ngón tay là do vi khuẩn gây hoại tử nhờ corticoid có điều kiện phát triển).
Một loại thuốc bôi ngoài da khác cũng không được dùng cho trẻ sơ sinh là dung dịch chứa iod có tên povidon-iod (Betadine) dùng ngoài da sát trùng. Dùng ở trẻ còn quá nhỏ tuổi mà lại dùng thường xuyên, iod sẽ thấm qua da vào máu gây rối loạn hoạt động tuyến giáp của trẻ.
Điều cũng cần lưu ý là các bậc bố mẹ không nên nghe lời đồn đại cho trẻ dùng thuốc, kể cả thuốc bôi ngoài da có nguồn gốc không thật rõ ràng. Chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc, nếu cần nên đưa trẻ đến khám ở phòng khám của bác sĩ để được chỉ định thuốc dùng an toàn và hiệu quả.
Theo Chất lượng Việt Nam Online