Theo GS, TS Thawee Chotepithayasunon, chuyên gia của Cục Dịch vụ Y tế (MDS) thuộc Bộ Y tế Thái Lan có tới 90% số người nhiễm biến chủng Omicron ở Thái Lan không có triệu chứng hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ. Bởi vậy, những bệnh nhân này không cần phải sử dụng tới loại thuốc kháng virus Favipiravir. Trong khi đó, các số liệu cho thấy hiện mỗi ngày ở Thái Lan tiêu thụ khoảng 2 triệu viên Favipiravir, tức khoảng 60 triệu viên mỗi tháng. Ông Thawee cho rằng con số này là quá cao.
Ông nói: “Do loại thuốc kháng virus này hiện được sử dụng với số lượng lớn, các chuyên gia đang lo ngại về nguy cơ virus kháng thuốc. Về mặt lý thuyết, điều đó có thể xảy ra”. Theo ông, cần có phác đồ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 căn cứ theo triệu chứng của mỗi người và những người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng không cần phải điều trị bằng thuốc Favipiravir.
Lạm dụng thuốc kháng virus Favipiravir có thể gây ra tình trạng kháng thuốc
Ông cho biết, hiện Bộ Y tế Thái Lan đã ban hành hướng dẫn điều trị mới cho các bệnh viện, theo đó chỉ cho nhập viện các bệnh nhân sốt cao quá 38 độ, những người có bệnh nền, người già cần sử dụng máy thở hoặc những người có triệu chứng xấu đi nhanh chóng. Theo ông Thawee, 90% số người nhiễm Covid-19 ở Thái Lan có thể tự điều trị. Các bác sĩ phụ trách cách ly tại nhà có thể cân nhắc kê đơn loại thuốc thảo mộc Far Talai Jone (Xuyên tâm liên) cho bệnh nhân.
Cảnh báo của ông Thawee được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang rất vất vả trong việc cung ứng đủ lượng thuốc Favipiravir khi số ca bệnh Covid-19 ở một số khu vực tăng mạnh. Hiệp hội Bác sĩ nông thôn Thái Lan (RDS) đăng trên tài khoản Facebook nói rằng hiện một số bệnh viện đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Còn tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, favipiravir được dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout càng cần chú ý theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội) nhấn mạnh, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cá thuốc trị COVID-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị COVID-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng COVID-19 ở người bệnh.