Theo đó, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc với các quy định mà Ấn Độ áp đặt đối với đồ chơi. Với mỗi yêu cầu mới, Ấn Độ đã gây khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu trong việc đưa đồ chơi hợp pháp và an toàn vào thị trường. Ấn Độ chỉ cho phép thời gian góp ý Pháp lệnh kiểm tra chất lượng đối với đồ chơi được thông báo là 15 ngày. Hoa Kỳ đã yêu cầu gia hạn thời gian góp ý lên 60 hoặc 90 ngày nhưng Ấn Độ từ chối yêu cầu đó với lý do lo ngại "liên quan đến an ninh quốc gia, sức khỏe, an toàn, môi trường và các hành vi gian lận thương mại”.
Hoa Kỳ đề nghị Ấn Độ giải thích chi tiết bản chất của các vấn đề cấp bách khiến Ấn Độ khẳng định có ngoại lệ trong việc thực hiện nghĩa vụ TBT khi đưa ra pháp lệnh này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã gửi ý kiến góp ý đối với thông báo G/TBT/N IND/131 và G/TBT/ N/ IND/143. Trong đó, đáng lo ngại nhất, để có được giấy phép áp dụng dấu tiêu chuẩn Ấn Độ, cơ sở sản xuất sẽ phải trải qua các cuộc đánh giá do BIS giám sát.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu sẽ phải đối mặt với nhiều khoản phí về yêu cầu đăng ký và bắt buộc phải có một đại diện đặt tại Ấn Độ. Hoa Kỳ chia sẻ niềm tin của doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng việc yêu cầu kiểm tra cơ sở là không cần thiết và không phù hợp với các thông lệ an toàn cho sản phẩm quốc tế.
Có nhiều chính phủ đã áp dụng quy định để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn bằng cách yêu cầu thử nghiệm sản phẩm bởi phòng thử nghiệm được công nhận theo ISO 17025. Hơn nữa, các hạn chế đi lại quốc tế có thể vẫn còn áp dụng ở một số quốc gia khi pháp lệnh có hiệu lực vào tháng 6, khiến các nhà xuất khẩu không thể tiến hành kiểm tra và phải đối mặt với nguy cơ ngừng xuất khẩu.
|
Ảnh minh họa. |
Hoa Kỳ kêu gọi Ấn Độ sửa đổi biện pháp để cho phép các nhà nhập khẩu đồ chơi dựa trên Phụ lục 2, Đề án 2 của Quy định Đánh giá bắt buộc BIS, cho phép các nhà xuất khẩu tự công bố sự phù hợp. Ngoài QCO, các nhà nhập khẩu phải tuân theo yêu cầu lấy mẫu nhập khẩu ngẫu nhiên mới theo Thông báo 33. Đồ chơi đã được nhà sản xuất kiểm tra theo tiêu chuẩn Ấn Độ thông qua QCO vẫn có thể phải lấy mẫu tuân thủ ngẫu nhiên khi nhập khẩu.
Các mối quan tâm chính của doanh nghiệp bao gồm: sự không chắc chắn về việc ai sẽ chịu chi phí cho việc lấy mẫu; khả năng hàng hóa đã được coi là phù hợp với tiêu chuẩn Ấn Độ thông qua QCO có thể bị từ chối nhập khẩu mà không có quyền đòi lại đối với các nhà sản xuất; và sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa đến điểm bán.
Hoa Kỳ không hiểu sự cần thiết của thử nghiệm bổ sung này. Nhiều công ty Hoa Kỳ sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế hài hòa về an toàn đồ chơi như ISO 8124, ASTM F963 và/hoặc EN 71, và tiến hành thử nghiệm sản phẩm tại các phòng thử nghiệm được Phòng thử nghiệm Quốc tế công nhận. Hoa Kỳ kêu gọi Ấn Độ xem xét lại phạm vi đầy đủ yêu cầu đối với đồ chơi. Gánh nặng kết hợp của QCO và Thông báo 33 có thể khiến nhiều công ty không muốn xuất khẩu đồ chơi sang Ấn Độ. Việc khó tuân thủ cả hai biện pháp này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đồ chơi giả và kém chất lượng trên thị trường Ấn Độ.
Về các vấn đề khác nhau mà các thành viên nêu ra, Ấn Độ cho biết biện pháp này đã được ban hành theo các quy định của Đạo luật BIS năm 2016 và các quy định khác của Ấn Độ, trong đó, yêu cầu liên quan đến đánh giá sự phù hợp đã được lựa chọn kỹ càng nhằm giám sát chặt chẽ hơn chất lượng hàng hóa vì mục tiêu của yêu cầu đánh giá sự phù hợp là để đảm bảo an toàn đồ chơi cho trẻ em và hạn chế đến mức tối thiểu chi phí cho nhà sản xuất. Pháp lệnh sẽ được áp dụng như nhau đối với các nhà sản xuất nước ngoài và trong nước.
Theo pháp lệnh, mọi đồ chơi phải tuân theo các tiêu chuẩn tương ứng của Ấn Độ được quy định trong đó và sẽ mang nhãn hiệu tiêu chuẩn theo giấy phép từ BIS theo quy định Đề án-I của BIS (Đánh giá sự phù hợp). Trong đó, Ấn Độ nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn Ấn Độ IS 9873 là bản sửa đổi của tiêu chuẩn ISO 8124.
Đối với câu hỏi liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, Ấn Độ nêu rõ rằng ISO 9001 chỉ quy định yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng (QMS). Chương trình đánh giá sự phù hợp (Scheme-I) của BIS được quy định trong QCO tập trung vào sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn liên quan (phù hợp với chương trình chứng nhận loại 4 của ISO/IEC 17067) thông qua thử nghiệm trong phòng thử nghiệm của bên thứ ba để đảm bảo sản phẩm phù hợp liên tục thông qua kiểm tra xuất xưởng. Yêu cầu về danh sách máy móc và thiết bị thử nghiệm là một phần của hệ thống đánh giá theo quy định Đề án-I của BIS (Đánh giá sự phù hợp). Tương tự, các yêu cầu về bao gói cũng được đề cập trong tiêu chuẩn.
Dựa trên dữ liệu và thực tế, các doanh nghiệp có thể đưa ra yêu cầu gia hạn thực hiện với Chính phủ Ấn Độ. Ấn Độ cho biết, giấy phép BIS sẽ được cấp cho một nhà sản xuất đồ chơi theo tiêu chuẩn Ấn Độ và tất cả các loại (mặt hàng/mô hình/ SKU, v.v.) của đồ chơi có trong tiêu chuẩn sẽ được gói gọn trong một loại giấy phép. Để có thể bao gồm tất cả các loại đồ chơi trong một giấy phép, BIS sẽ sớm ban hành hướng dẫn phân nhóm với đồ chơi. Điều này sẽ giúp việc kiểm tra đồ chơi dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho cả bên kiểm tra và nhà sản xuất. BIS đã chia sẻ dự thảo hướng dẫn phân nhóm với các bên liên quan và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan trước khi hoàn thiện dự thảo.
Theo quy định về đánh giá sự phù hợp, các nhà sản xuất Đồ chơi phải có giấy phép BIS cho mỗi nhà máy (cơ sở sản xuất). Tuy nhiên, không nêu rõ quy định về tuân thủ và chi phí thực hiện. Cho đến nay, về hiệu lực của các giấy phép, giấy phép có thể được cấp trong thời hạn từ 01-02 năm, sau đó được gia hạn lên đến 05 năm. BIS đã vận hành chương trình chứng nhận sản phẩm cho hơn 970 sản phẩm theo quy định của BIS (Đánh giá sự phù hợp).
Thực tế cho thấy trong số hơn 36.000 giấy phép được cấp bởi BIS, hơn 80% nhà sản xuất đã lấy giấy phép chứng nhận BIS từ các MSME của Ấn Độ, trong đó khoảng 60% giấy phép trên cơ sở tự nguyện. Hơn nữa, BIS liên tục phân tích các nguồn lực cần thiết theo thời gian và đảm bảo các biện pháp thích hợp để xây dựng dự thảo.
Về vấn đề bảo lãnh ngân hàng (PBG), Ấn Độ cho biết PBG được yêu cầu sau khi cấp phép BIS thông qua việc ký kết thỏa thuận giữa BIS và nhà sản xuất nước ngoài. Sự cần thiết của PBG từ một nhà sản xuất nước ngoài là để đảm bảo trong trường hợp có bất kỳ vi phạm nào đối với đạo luật BIS, bao gồm cả việc không thanh toán phí và vi phạm các điều khoản, điều kiện của giấy phép, BIS sẽ có thể thực thi PBG.
Mặt khác, trong trường hợp các nhà sản xuất trong nước, BIS có thể tiếp cận và yêu cầu bồi thường thông qua các tòa án trong nước. PBG sẽ chỉ được viện dẫn khi có bất kỳ vi phạm nào, bao gồm trách nhiệm dân sự và mất doanh thu, nếu có, có thể phát sinh trong thời hạn của giấy phép hoặc sau đó. Số tiền bị thu vẫn ở tại ngân hàng dưới dạng bảo đảm có hoàn lại và số tiền này không thể được hiểu là chi tiêu.
Do đó quy định về PBG không thể coi là sự phân biệt đối xử giữa các công ty trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, bảo lãnh ngân hàng cũng phổ biến trong thương mại quốc tế trong thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, Ấn Độ cho rằng yêu cầu về lấy mẫu được xây dựng theo các hướng dẫn được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan Hải quan, theo Đạo luật Hải quan năm 1962 và các Quy định liên quan khác. Mọi hành vi từ chối nhập khẩu hàng hóa, bao gồm đồ chơi ở Ấn Độ đều chịu sự điều chỉnh của các điều khoản này và sẽ có điều khoản kháng cáo thích hợp.
Theo Chất lượng Việt Nam Online