Từ 0h ngày 19/7, Hà Nội yêu cầu người dân ở nhà, đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu
Chiều tối 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Nội dung công điện nêu: trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng, UBND TP Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 từ 0h ngày 19-7 trên địa bàn toàn TP. Cụ thể:
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
|
Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
"Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...).
Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QR", chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.
Đối với các cơ quan, công sở của TP và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca, hạn chế làm việc đông người.
Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, chợ... trên địa bàn TP tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hà Nội cũng vận động người dân trong TP hạn chế đi lại, đặc biệt là di chuyển đi các tỉnh khác. Người từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển về thủ đô thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn TP; lập tức thông tin và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở.
"Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu; khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo 5K", công điện chỉ đạo rõ.
Về các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, TP Hà Nội yêu cầu phải giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Đồng thời, tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
"Việc tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện chính trị quan trọng của Trung ương trên địa bàn do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương quyết định", công điện nêu.
Người dân đổ xô mua thực phẩm tích trữ tối 18/7
|
Theo ghi nhận, từ 18 giờ 30 phút tối 18/7, sau khi nghe thông tin Hà Nội có công điện khẩn dừng các hoạt động không thiết yếu, người dân chỉ được ra ngoài đường khi cần thiết, nhiều người dân vội vã đến siêu thị mua hàng. Các mặt hàng được chọn chủ yếu là nhu yếu phẩm như: dầu ăn, mì tôm, trứng, rau xanh, thực phẩm tươi sống…
Đặc biệt, tại quầy hàng thực phẩm tươi sống, thịt gà, thịt bò, thịt lợn… gần như hết sạch. Hải sản tươi sống, tôm cá, mực cùng cũng không còn nhiều.
|
Trong khi đó quầy hàng rau xanh, mặc dù lượng mua khá đông, song nhân viên siêu thị liên tục chở rau lấp đầy các kệ. Đó là các loại củ quả, rau muống, rau mùng tơi, cải xanh, bí, cà chua…
Hà Nội đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm thiết yếu
Tại cuộc làm việc với Sở Công thương Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối cho biết đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 - 5 lần tại các kho hàng. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết tại thời điểm này Hà Nội có nguồn hàng dự trữ khá đảm bảo, nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng trong 1 vài ngày thì khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào. Ít nhất trong 7 - 9 ngày sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân. Hầu hết các hệ thống đều có sự chủ động về nguồn hàng, kho dự trữ tại tỉnh, cũng như dự trữ 3 tại hệ thống phân phối, tăng dự trữ tối đa trực tiếp tại siêu thị đảm bảo cung ứng ngay khi sức mua tăng nóng.
Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ người dân mua sắm cũng như phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả chưa có sự biến động. Các doanh nghiệp vẫn đang nằm trong chương trình bình ổn của thành phố và chưa có dấu hiệu tăng giá.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo