IEA tuyên bố rằng, dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện tại, nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ sẽ đạt mức trước COVID-19 vào năm 2022. Cơ quan giám sát năng lượng có trụ sở tại Paris, đã bị chỉ trích nặng nề khi đưa ra khuyến nghị "không đầu tư vào các mỏ dầu mới" để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời tuyên bố rằng “OPEC + cần phải mở các vòi để giữ cho thị trường dầu thế giới được cung cấp đầy đủ”.
Đồng thời, IEA cũng nhắc lại thực tế thị trường đang mâu thuẫn với các chiến lược đề xuất của họ để không phát thải ròng. Các chỉ trích có thể sẽ gay gắt đối với cơ quan dầu khí hàng đầu “cũ” vì trước đây IEA được lập ra để đảm bảo thế giới không thiếu nguồn cung dầu nhưng giờ IEA lại kêu gọi thế giới tăng gấp đôi năng lượng tái tạo và cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris trong khi thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cần đến một lượng lớn dầu khí.
Mức độ liên quan của một số vấn đề trong những báo cáo IEA đưa ra sẽ phải được đánh giá lại, đặc biệt là khi xem xét báo cáo "Thời đại vàng của khí" và lộ trình "Net Zero vào năm 2050". Khi được hỏi cần phải làm gì, IEA chỉ ra rằng yêu cầu đối với OPEC + sẽ phải rất mạnh mẽ, vì nhóm các nhà sản xuất dầu khí quốc tế cần tăng nguồn cung dầu thô cho thị trường thêm 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là phải có một sự gia tăng đáng kể so với các mục tiêu hiện tại từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.
|
Báo cáo "Net Zero 2050" của IEA muốn các nước ngừng đầu tư vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới nếu muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: IEA. |
Kỳ vọng về cầu của IEA phù hợp với một số tổ chức khác, như OPEC, Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA và các chuyên gia tư vấn độc lập, đã tuyên bố trước đó rằng nhu cầu về dầu sẽ tăng lên đáng kể. Một số thậm chí còn dự đoán khối lượng vào năm 2022 sẽ cao hơn mức của năm 2019, ngay cả khi giá đang tăng lên đáng kể.
Khả năng tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trên thị trường sẽ không tạo ra sự sụt giảm thực sự trong thị trường đang tăng giá hiện tại. Ngay cả khi có thêm lượng dầu xuất khẩu bổ sung của Iran - nếu đạt được thỏa thuận JCPOA - thì cũng chỉ giảm thiểu một số rủi ro tăng giá. Hiện tại, yếu tố đột biến chính là đá phiến của Mỹ, nó có thể được tăng sản lượng do sự khuyến khích bởi giá dầu thô cao hơn.
Tình hình thị trường hiện tại rất rõ ràng. OPEC + đang dẫn đầu lĩnh vực dầu khí, bất kể các chiến lược chính trị hay các nhà hoạt động môi trường đang làm cổ đông tại các công ty dầu khí quốc tế (IOC) đang lên kế hoạch hành động gì. Thị trường vẫn còn nghiện dầu khí và không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
IEA cũng cần đánh giá lại các chiến lược và phương pháp tiếp cận báo chí hiện tại của mình, vì việc tiếp tục lan truyền các dự đoán "không chắc chắn" sẽ không làm giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo báo cáo của về thị trường dầu của IEA, nhu cầu sẽ tăng 5,36 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và thêm 3,07 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Vào cuối năm 2022, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ ở mức trung bình 99,46 triệu thùng/ngày.
Sự lạc quan này trên thị trường được chia sẻ rộng rãi, khi xem xét các dự đoán giá từ Goldman Sachs, Bank of America và Citibank, với một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán giá dầu lên tới 100 USD/thùng vào năm 2022.
Một số trục trặc trên thị trường có thể xảy ra khi các chủng COVID-19 mới xuất hiện hoặc công tác tiêm chủng thất bại. Nhưng hiện tại, khả năng xảy ra một đợt giãn cách toàn cầu mới có vẻ rất nhỏ.
Một trong những động lực chính của sự phục hồi dầu là bắt đầu mùa di chuyển trong hè. Khi Châu Âu mở cửa biên giới trở lại với các nhà du lịch, nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay sẽ phục hồi.
|
Ngay cả khi có thêm lượng dầu xuất khẩu bổ sung của Iran - nếu đạt được thỏa thuận JCPOA - thì cũng chỉ giảm thiểu một số rủi ro tăng giá. Ảnh: BBC. |
IEA dự kiến nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhu cầu xăng tăng thêm 660.000 thùng/ngày và nhu cầu dầu diesel tăng 520.000 thùng/ngày. Những dự đoán này có thể hơi thận trọng, vì hầu hết người châu Âu thường dùng ô tô của họ để ra nước ngoài, còn vé máy bay giá rẻ sẽ làm phần còn lại.
Lời kêu gọi của IEA về OPEC + là rõ ràng, vì những nước này giữ sản lượng dự phòng chính thức là 6,9 triệu thùng/ngày, ngay cả sau khi sản lượng đã thỏa thuận tăng trong vài tháng tới. Lời kêu gọi đối với các nhà sản xuất ngoài OPEC cũng đang tăng lên và IEA dự kiến sản lượng ngoài OPEC sẽ tăng thêm 710.000 thùng/ngày vào năm 2021. IEA cũng rất lạc quan về mức sản xuất của Mỹ. Dự kiến Mỹ sẽ bổ sung hơn 900.000 thùng/ngày vào nguồn cung cho năm tới, với Canada, Brazil và Na Uy cũng đóng góp vào tăng trưởng sản xuất.
Nhưng ẩn số chính vẫn là OPEC + sẽ quyết định gì trong những tháng tới. Cho đến nay, các nước trong tổ chức này vẫn giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng của mình, ngay cả khi một số thành viên hàng đầu bày tỏ mong muốn sản xuất nhiều hơn.
Kết quả của các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang ảnh hưởng tới thị trường. Trong khi đó, những rắc rối của Tehran lại là một yếu tố ổn định trên thị trường. Bằng cách gây sức ép với OPEC +, IEA đang đùa với lửa. Lời kêu gọi "mở vòi" sẽ được một số người coi là đèn xanh cho việc tăng đáng kể sản lượng. Nhưng Ả rập Xê-út, UAE và Nga sẽ không để yên nếu những thành viên khác hành động như vậy.
Một tình huống ngược lại có thể xảy ra, vì dầu mới trên thị trường có thể dễ dàng đẩy giá xuống và nhờ vậy gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tăng lên. Dưới con mắt của một số nhà phân tích IEA và các tổ chức phi chính phủ và quỹ của các nhà hoạt động môi trường, đây sẽ là một kịch bản về ngày tận thế cho các thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Đối với các nhà sản xuất OPEC +, tình hình đang có vẻ ngày càng sáng sủa, với giá cả và nhu cầu tăng, doanh thu cũng sẽ tăng theo.
Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam