Nhờ đâu Đầu tư Sài Gòn VRG báo lãi tăng đột biến vượt xa kế hoạch?

DTVN 11:52 06/08/2020

Trong quý 2 DTTC đạt 145 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ tương ứng mức tăng 80 tỷ đồng nhờ ghi nhận lãi tiền gửi và lãi bán các khoản đầu tư.

Doanh thu tài chính tăng mạnh

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán SIP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 với doanh thu thuần đạt 1.214,5 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn chỉ tăng 15% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 90 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính trong quý tăng mạnh từ 41,6 tỷ đồng lên trên 76,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính ghi dương 21,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi âm hơn 39 tỷ đồng chủ yếu do quý 4 năm ngoái công ty hoàn nhập dự phòng khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Bên cạnh đó chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được một nửa, còn hơn 20 tỷ đồng.

Kết quả, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế quý 4 vẫn chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 108 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 78,6 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2019 doanh thu thuần đạt gần 4.319 tỷ đồng, tăng 33,3% so với doanh thu đạt được năm 2018 và vượt 44% kế hoạch năm. Nhờ khoản doanh thu tài chính 282 tỷ đồng chủ yếu từ thu lãi tiền gửi, mà Sài Gòn VRG báo lãi sau thuế tăng đột biến đến 523,8 tỷ đồng, gấp 2,1 lần lợi nhuận đạt được năm 2018 và vượt xa kế hoạch lãi 200 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 475 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019 Sài Gòn VRG còn khoản tiền gửi có kỳ hạn 3.556 tỷ đồng (tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm), ngoài ra còn khoản tiền gửi dài hạn 891 tỷ đồng (tăng 539 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng tiền gửi có kỳ hạn lên đến 4.447 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng dở dang đến cuối năm lên đến hơn 3.066 tỷ đồng, tăng 770 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm chủ yếu do tăng giá trị đầu tư vào Dự án KCN – Đô Thị - Dịch vụ Phước Đông Bời Lời, dự án KCN Lê Minh Xuân 3 và dự án Cảng Thanh Phước.

--

Lãi lớn quý II/2020 do hoàn nhập dự phòng

Quý II/2020, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã chứng khoán SIP – UPCoM) ghi nhận doanh thu 1.092,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 370,6 tỷ đồng, giảm 2,5% và tăng 151,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 12,6% về còn 11,5% và biên lợi nhuận ròng tăng mạnh từ 13,1% lên 33,9%.

Đầu tư Sài Gòn VRG thuyết minh, trong kỳ doanh thu tài chính tăng thêm 80,3 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính âm 126,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 22 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải thích doanh thu tài chính tăng chủ yếu là lãi tiền gửi và lãi cho vay tăng; chi phí tài chính giảm mạnh do hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh trong kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 2.180,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 418 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,4% và 94,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được 174,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm (240 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 11,8% về 11,5% và biên lợi nhuận ròng lại tiếp tục tăng từ 10,9% lên 19,2%. Trong đó, biên lợi nhuận tăng chủ yếu do doanh thu tài chính tăng do lãi tiền gửi, tiền cho vay và chi phí tài chính giảm do hoàn nhập dự phòng.

Tính tới 30/6/2020, doanh nghiệp đang sở hữu 531,1 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, đã trích lập dự phòng gần 6,2 tỷ đồng. Cụ thể, đầu tư vào cổ phiếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với giá trị 261,1 tỷ đồng; đầu tư vào cổ phiếu CTCP Công nghiệp Cao Su Miền Nam (CSM) là 139,8 tỷ đồng; đầu tư vào cổ phiếu CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) với giá trị là 121,1 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng gần 6,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, SIP còn góp vốn vào công ty liên kết là CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) với giá trị 705,3 tỷ đồng; CTCP Xây dựng và Phát triển Thế Hệ Mới là 220,1 tỷ đồng; và CTCP Khoáng Sản Fico Tây Ninh là 22,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng danh mục đầu tư vào công ty liên kết là 947,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 8,3% lên 14.581,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn trị giá 4.845,1 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 2.816,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng tài sản; bất động sản đầu tư là 2.784 tỷ đồng, chiếm 19,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 1.881,7 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản.

Trong kỳ, khoản phải thu ngắn hạn tăng 331 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,3% lên 1.881,7 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị tăng thêm chủ yếu là phải thu về cho vay ngắn hạn, đầu kỳ giá trị là 540,5 tỷ đồng, cuối kỳ là 764,3 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Xây Dựng và Phát triển Thế Hệ Mới giá trị 366,7 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc là 368 tỷ đồng, ngoài ra là các đơn vị khác.

Năm 2020 được dự báo là còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới. Nguồn thu chính của Đầu tư Sài Gòn VRG chủ yếu là cho thuê đất có cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích như điện, nước, xử lý nước thải sẽ bị giảm đáng kể. Do vậy công ty đặt kế hoạch năm 2020 chỉ bằng khoảng 60% đến 79% so với sản lượng thực hiện năm 2019.

Bạn đang đọc bài viết Nhờ đâu Đầu tư Sài Gòn VRG báo lãi tăng đột biến vượt xa kế hoạch? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất