Mới đây, dư luận vẫn chưa hết xôn xao việc một chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa, do nợ nhà cung ứng nguyên liệu với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều thực khách từng ăn ở nhà hàng thì cho rằng đó là điều đương nhiên bởi món ăn không xuất sắc mà giá lại khá đắt, người lại cho rằng định phí cao (chủ yếu là chi phí thuê mặt bằng) khiến chuỗi nhà hàng này phải rút sớm, lại có những quan điểm lý giải nhượng quyền tràn lan nên chuyện đóng cửa là tất yếu.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính khiến một chuỗi nhà hàng lớn như vậy phải rút lui? Hay là nguyên nhân sâu xa vẫn là thị trường F&B tại Việt Nam ngày càng khốc liệt?
|
Hệ thống nhà hàng Món Huế đã phải ngừng kinh doanh |
Mẫu số chung của những doanh nghiệp F&B tại Việt Nam
Ngành F&B của Việt Nam từ sau năm 2014 đã tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng 18%/năm và đạt 540.000 cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trong cả nước, theo thống kê từ Dcorp R- Keeper Việt Nam. Trong giai đoạn này, hàng loạt nhà hàng món nướng, mì cay Hàn Quốc, nhà hàng sushi Nhật, lẩu Thái... mọc lên khắp nơi và được đón nhận nồng nhiệt. Đây là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp đổ vốn vào lĩnh vực nhà hàng.
Tuy nhiên, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Sunshine Equipment, nhận định, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trước khi chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt và bị tố nợ tiền nhà cung cấp, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B) khi huy động hàng chục triệu đô la từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, chuỗi Món Huế không phải là trường hợp duy nhất phải đóng cửa vì không cạnh tranh được trên thị trường F&B ngày càng khốc liệt.
Nói về thất bại trong lĩnh vực này không thế không nhắc đến chuỗi nhà hàng The KAfe, phục vụ đồ ăn Á - Âu, chuỗi nhà hàng này cũng từng phải đóng cửa do nợ tiền nhà cung cấp. Và một điểm trùng hợp với Huy Việt Nam (Món Huế), là ông Dennis Nguyễn từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The KAfe, cũng đồng thời là Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của Công ty Huy Việt Nam, giúp công ty này tìm nguồn vốn tài trợ.
Và tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần TMDV Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House) bất ngờ thông báo đóng cửa kinh doanh chuỗi trà sữa Ten Ren tại Việt Nam. Ten Ren được nhượng quyền từ Đài Loan, có 23 cửa hàng ở TP.HCM và Đồng Nai, cũng được giới trẻ rất yêu thích. Một trong những lý do khiến Ten Ren phải đóng cửa, là mô hình doanh này chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng, kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Và nhiều nguyên nhân khác
Theo ghi nhận của PV Nhịp Cầu Đầu Tư, tại trang Fanpage của Nhà hàng Món Huế nhiều bình luận cho rằng, đóng cửa là chuyện bình thường vì món ăn không đặc biệt trong khi giá lại không bình dân, phục vụ của những nhân viên ở đây lại chưa tốt, khiến khách hàng có phản ứng không mấy tích cực.
Bên cạnh nguyên nhân này, một vấn đề nổi trội được nhiều báo cập nhật đó là giá mặt bằng thuê quá đắt. Trên thực tế, điều mà chuỗi F&B phải cân nhắc đầu tiên là vị trí và giá thuê mặt bằng. Món Huế nói riêng và các thương hiệu F&B nói chung thường chọn các mặt bằng đắc địa tại trung tâm thành phố, hoặc nằm trong các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, chi phí mặt bằng bán lẻ lại Việt Nam lại đang có xu hướng tăng cao.
Công ty Savills Việt Nam vừa có báo cáo tổng quan về tình hình đầu tư bất động sản quý III-2019 ở TPHCM. Theo Savills, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng việc thiếu hụt nguồn cung ở khu trung tâm nhằm tăng giá thuê cho các vị trí trống mới hoặc thay thế dần các vị trí hiện hữu có giá thấp bằng các khách thuê tiềm năng hơn. Giá chào thuê ghi nhận tăng đến 30% cho các diện tích trống mới hoặc các hợp đồng gia hạn ở các trung tâm mua sắm tại quận 1.
Trở lại với chuỗi nhà hàng Món Huế, được biết, chi nhánh Món Huế 67 Trần Duy Hưng khi dọn đi vẫn còn 3 tháng tiền thuê nhà đã đóng trước. Chia sẻ với báo giới, chủ nhà cho biết giá thuê hiện tại là 6.500 USD/tháng (tương đương 150 triệu đồng/tháng). Điều này cho thấy, Món Huế Trần Duy Hưng chịu mất 450 triệu tiền thuê mặt bằng. Một con số không hề nhỏ cho một chi nhánh.
Do vậy, để đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận, các chuỗi cần mở rộng số cửa hàng nhanh chóng và hàng loạt các vấn đề đi kèm. Áp lực cạnh tranh trên thị trường F&B ngày càng gay gắt, trong khi chi phí vận hành quá cao là bài toán mà các thương hiệu F&B trong nước cần phải giải quyết.
Theo Nhịp cầu Đầu tư