Đến giai đoạn này, thời hạn để các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 đã kết thúc, cũng là lúc các nhà đầu tư nhìn lại kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp.
Nửa đầu năm 2020 được xem là giai đoạn có nhiều biến động nhất với các doanh nghiệp trong những năm gần đây khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng và kéo dài trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng chịu nhiều tác động theo.
Tuy nhiên, dù khó khăn, những vẫn còn đó những nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng nhất, hoặc thậm chí có đôi chút lợi thế khi dịch bệnh hoành hành. Điển hình trong các nhóm ngành đó là các doanh nghiệp ngành bảo hiểm.
Doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Điểm qua các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bảo hiểm trên sàn chứng khoán, thì phần lớn trong số đó đều có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảo Việt (BVH) công bố doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 8.216 tỷ đồng, xấp xỉ bằng quý 2 năm ngoái. Doanh thu tài chính tăng mạnh, trong khi chi phí giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, tăng trưởng đến 114,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nếu đem so lợi nhuận quý 2 so với quý 1 đầu năm, Bảo Việt đạt mức tăng trưởng 382%, từ 115 tỷ đồng lên 553 tỷ đồng.
Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Bảo Việt đạt 660 tỷ đồng, xấp xỉ bằng lợi nhuận đạt được nửa đầu năm 2019 và hoàn thành 66% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Đáng chú ý, nếu đem so lợi nhuận quý 2 so với quý 1 đầu năm, Bảo Việt đạt mức tăng trưởng 382%, từ 115 tỷ đồng lên 553 tỷ đồng.
Cũng có lợi nhuận tăng trưởng quý 2 hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, Bảo Minh (BMI) ghi nhận lãi sau thuế quý 2 đạt 87 tỷ đồng, trong khi quý 2/2019 đạt 41 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 Bảo Minh đạt 110 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành vừa đúng 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt hơn 91 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020 PTI đạt 117 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
Dù lợi nhuận của Bảo Việt, bảo Minh đều tăng mạnh hơn gấp đôi so với quý 2 năm ngoái, tuy vậy quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý 2 vừa qua lại do Tổng Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) giành được.
Tính riêng quý 2 PTI đạt 1.176 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 18% so với quý 2/2019. Tuy nhiên nhờ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư ngắn hạn nên lợi nhuận sau thuế cả quý thu về 69,3 tỷ đồng, trong khi quý 2 năm ngoái lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 PTI đạt 117 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2020.
Các doanh nghiệp trong nhóm ngành bảo hiểm có kết quả lợi nhuận quý 2 tăng trưởng so với cùng kỳ còn có PVI, có Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare – mã chứng khoán VNR), có Pjico (PGI), Bảo hiểm Bảo Long (BLI), và Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC).
|
Trong khi đó, vẫn có những doanh nghiệp có lợi nhuận quý 2 giảm sút so với cùng kỳ như Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) và Bảo hiểm Quân đội (MIG) với tỷ lệ lãi sụt giảm lần lượt hơn 9% và 12,78%.
Tuy nhiên nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2020 thì ABI cũng đạt 146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
Dù nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận quý 2 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên do lợi nhuận giảm sút mạnh ở quý 1 nên tính chung 6 tháng đầu năm 2020 lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lại giảm sút.
Điển hình trong số đó cần điểm qua PVI với tổng lãi 6 tháng đạt 452 tỷ đồng, giảm sút 4%. Còn Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế 142 tỷ đồng, giảm 16%. Doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút mạnh nhất là Bảo Long với 48 tỷ đồng tiền lãi, giảm 31%. Ngoài ra MIG cũng có lợi nhuận 6 tháng giảm 10% xuống còn 79 tỷ đồng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, thị trường bảo hiểm từ đầu năm 2019 đến nay tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 423.423 tỷ đồng, tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước. Ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng, tăng 26,17%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng, tăng 16,08% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng, tăng 24,35%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng, tăng 28,8%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.653 tỷ đồng, tăng 19,61%); phí thu xếp qua môi giới ước đạt 4.215 tỷ đồng; hoa hồng môi giới ước đạt 383 tỷ đồng, tăng 4,2%.
Ngành bảo hiểm cũng đã chi trả 10.318 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt 1.222.000 hợp đồng, tăng 27%.
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (49,44%), sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (31,58%).
Trong năm 2019, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng 20%. Trước đó lãnh đạo một số công ty bảo hiểm cũng đưa ra dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng năm nay chỉ ở mức kế hoạch đã đặt ra tức là 20%, chậm hơn so với các năm trước. Tuy nhiên qua gần 8 tháng hoạt động, ngành đang có những bước tăng trưởng nhanh hơn so với dự đoán.
Hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 môi giới bảo hiểm.
Trong một diễn biến khác, như chúng tôi đã thông tin, mới đây Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ