Trong các bức thư riêng gửi tới các chính phủ, khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Anh quốc và trước thềm hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu vào tháng 11, hai nhóm đã nhất trí về sự cần thiết phải có hành động "táo bạo và can đảm" ngay lập tức, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5°C được lập ra trong Thỏa thuận Paris vào tháng 12/2015.
Fidelity International, Schroders, DWS Group, Legal and General Investment Management và Pacific Investment Management Co, là một trong số hàng trăm nhà đầu tư có ảnh hưởng đã ký vào bản kiến nghị gửi tới tất cả các chính phủ khi các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Anh quốc.
Họ đại diện cho khối tài sản tập thể lớn nhất đang được quản lý, ký vào một tuyên bố về biến đổi khí hậu của các nhà đầu tư toàn cầu gửi tới các chính phủ, kể từ lần kiến nghị đầu tiên vào năm 2009.
|
Từ năm 2017 đến năm 2019, G7 vẫn cung cấp 86 tỷ USD tài chính công cho nhiên liệu hóa thạch, trong đó 88% là dầu khí. Ảnh: AGminer. |
Trong lá thư của mình, họ nói rằng những quốc gia đi đầu trong việc lập báo cáo tài chính liên quan đến khí hậu sẽ trở thành điểm đến đầu tư “ngày càng hấp dẫn”. Nhóm đại diện cho khoảng 37% tổng tài sản toàn cầu đã viết, những kẻ đi sau xu hướng này sẽ gặp sự bất lợi trong cạnh tranh.
Liên minh các nhà đầu tư cho biết: “Việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris sẽ tạo ra cơ hội đầu tư đáng kể vào công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng xanh và các tài sản, sản phẩm và dịch vụ khác cần thiết trong nền kinh tế mới này”.
Dữ liệu do một nhóm các nhà kinh tế tổng hợp cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2019, G7 vẫn cung cấp 86 tỷ USD tài chính công cho nhiên liệu hóa thạch, trong đó 88% là dầu khí. Con số này gấp hơn ba lần mức hỗ trợ của họ đối với năng lượng sạch trong cùng thời kỳ.
Canada, Nhật Bản và Mỹ là những quốc gia lớn nhất, cung cấp lần lượt 32 tỷ USD, 30 tỷ USD và 9 tỷ USD tài chính công cho nhiên liệu hóa thạch.
The Alliance of CEO Climate Leaders, một cộng đồng toàn cầu gồm các CEO, những người tiếp tục đặt tiêu chuẩn cao hơn và xúc tiến hành động trên tất cả các lĩnh vực để giúp thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không có phát thải ròng, đại diện cho các ông chủ hàng đầu của các công ty lớn như Newmont, Novo Nordisk, Royal DSM, ABB, AstraZeneca và Deloitte, cũng yêu cầu các chính phủ đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm khí thải.
Họ nói rằng để buộc các tập đoàn phải hành động, các lãnh đạo quốc gia cần phải thay đổi luật chơi. Điều đó bao gồm việc phát triển cơ chế định giá carbon dựa trên thị trường và đặt ra các mục tiêu khử carbon “đáng tin cậy”.
Giới chủ cũng ủng hộ việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa thân thiện với khí hậu và tăng cường tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh.
Giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Dominic Waughray cho biết: “Đây là một động thái quan trọng và có ý nghĩa đối với nhiều CEO, đưa tên tuổi của họ lên phía trước để hợp tác tập thể sâu sắc hơn”.
Stephanie Pfeifer, CEO của Nhóm các nhà đầu tư định chế về Biến đổi Khí hậu cho biết: “Để các cam kết thị trường chuyển thành sự thay đổi cần thiết trong nền kinh tế thực, chúng ta cần một môi trường chính sách thu hẹp khoảng cách giữa tham vọng về khí hậu và hành động chính sách”.
Lời kêu gọi của các giám đốc điều hành lặp lại những lo ngại được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu ra trong một báo cáo gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh cấm khẩn cấp đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.
Bộ trưởng Môi trường của các nước G7 đã cam kết kết thúc tài trợ cho các dự án than mới ở nước ngoài vào cuối năm nay. Nhưng một nghiên cứu của Đại học Cardiff cho thấy, 51% quỹ phục hồi kinh tế COVID-19 của G7, với tổng giá trị là 189 tỷ USD - được chi trả từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021 được coi là hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Hai giảng viên của Đại học Cardiff, George Ferns và Marcus Gomes viết: “Tệ hơn nữa, cứ mỗi 10 USD dành cho năng lượng không tái tạo thì 8 USD được trả mà không có điều kiện buộc các công ty này phải giảm lượng khí thải của họ... Đồng thời, các công ty dầu khí và than đá tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ mới trong khi vận động hành lang để phá bỏ các quy định".
Theo Doanh nhân Việt Nam