Từ hành trình xuất khẩu quả vải tươi sang các nước EU cho thấy hiệu quả của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đồng thời mở ra triển vọng và cơ hội cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu gần 450 triệu dân.
Sau gần 5 năm vắng bóng, năm 2021, với sự trợ giúp của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, quả vải thiều đã trở lại thị trường này. Ban đầu là Thanh Binh Jeune, tiếp đến là Tang Frères, Grand Frais và một số siêu thị khác cũng đồng loạt vào cuộc. Chỉ trong vài ngày, gần 4 tấn vải thiều Thanh Hà đã được người tiêu dùng Pháp đón nhận. Không chỉ ở Pháp, những quả vải tươi chín mọng của Việt Nam cũng được chào đón ở Bỉ, Đức, Hà Lan, CH Séc và nhiều nước khác trong EU.
|
Vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc nhập khẩu vào Pháp. |
Các chuyên gia nhận định, những kết quả trên thực sự rất đáng khích lệ bởi EU là thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Những yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường… của EU rất khắt khe. Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap. EU có xu hướng yêu cầu đạt nhiều loại tiêu chuẩn như hữu cơ, fair-trade, 4C, Rainforest Allinace, BRC...
Cùng với đó, EU liên tục mở rộng danh mục cấm sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có những loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng cho cây trồng nhiệt đới và không sử dụng đối với cây trồng ôn đới tại EU, nhưng vẫn bị cấm sử dụng.
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu khởi sắc sau khi EVFTA có hiệu lực. Với sự hỗ trợ của các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở châu Âu và tận dụng lợi thế từ EVFTA về miễn thuế một số nhóm hàng, các doanh nghiệp đã tăng cường xuất khẩu trái cây, mà quả vải thiều tươi là một điển hình.
Tiếp nối thành công này, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu nhãn sang Anh, Hà Lan, Séc, Đức, Bỉ. Đây là những tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam. Ngoài ra, những sản phẩm khác như thanh long, chanh leo, dừa, chanh không hạt cũng sẽ được xuất khẩu sang Tây Âu trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cảm nhận được tác động của EVFTA. Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium Nguyễn Thị Minh Liên khẳng định EVFTA tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại EU nhập khẩu được nhiều nông sản Việt Nam, mà Vinamex Belgium là một ví dụ. Với những yêu cầu cao khi thực hiện EVFTA, quả vải thiều Việt Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được kiểm định chất lượng và đóng dấu chứng nhận GlobalGAP, giúp cho việc thông quan dễ dàng và tạo niềm tin cho người tiêu dùng châu Âu.
Thành công của thương vụ vải tại châu Âu đang mở ra triển vọng rất lớn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường 450 triệu dân này. Hiện tại, chủ yếu nông sản của Việt Nam được phân phối trong các cửa hàng châu Á, một số sản phẩm ưu việt như quả vải đã bước đầu tiếp cận thành công hệ thống siêu thị của EU.
Không chỉ có trái cây, gạo Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng ở thị trường EU. Ông Trần Văn Công cho hay, mỗi năm châu Âu phải nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo nhưng Việt Nam mới chỉ xuất được 60-70.000 tấn. EU cũng cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm, hưởng thuế xuất 0%. Đây là một cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.
Tham tán Trần Văn Công cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc kỹ hơn với các doanh nghiệp để tận dụng tối đa cơ hội đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU. Gạo Việt Nam được thế giới đánh giá cao nên việc thâm nhập vào thị trường này có lợi thế vì một số dòng sản phẩm gạo thơm được khách hàng châu Âu ưa chuộng. Thời gian qua, gạo mới chỉ được bán ở các cửa hàng tiện lợi châu Á. Chúng tôi mong muốn tới đây, gạo Việt Nam sẽ được bán rộng rãi hơn, tại các siêu thị lớn của châu Âu".
Theo Chất lượng Việt Nam Online