Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu là 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng hai con số như vậy có thể nói là một thành tích hết sức ấn tượng.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: Mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất với 25,1 tỷ USD, tương đương 15,9%; nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước tính đạt 23,7 tỷ USD, chiếm 15,1%; nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ước tính đạt 17 tỷ USD, chiếm 10,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 15,2 tỷ USD, chiếm 9,7%; mặt hàng giầy, dép đạt 10,4 tỷ USD.
|
Các ngành hàng thế mạnh là động lực cho xuất khẩu tăng trưởng. Ảnh minh họa. |
Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng hơn 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải.
“Điều đáng mừng nhất qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để có thể đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo Chất lượng Việt Nam Online