Đắk Lắk đang trong cao điểm mùa khô, cũng là mùa đốt nương làm rẫy. Ở nhiều nơi, rừng bị phá tan hoang. Chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng gần như bất lực trước việc người dân xâm hại rừng. Những khoảng rừng bị phá năm trước, nay cây sắn, cây ngô đã cho thu hoạch, trong khi những khoảng rừng khác đang tiếp tục bị tàn phá.
Tuy nhiên đầu năm 2021, một nhóm bạn trẻ đã đổi màu cho những khu đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và những cánh rừng bị chặt phá bằng cách dùng đất sét bọc quanh hạt giống, giúp bảo vệ hạt giống không bị côn trùng ăn mất và khi có mưa. Đất bọc ngoài sẽ giữ được lượng nước đủ cho hạt nảy mầm.
|
Nhóm bạn trẻ ở Đắk Lắk làm bom hạt giống. |
Cách làm là chỉ cần giữ lại, rửa sạch và phơi khô hạt hoa quả... tạo “bom hạt giống” - trộn đất sét, mùn với phân và chút nước, nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt giống cây cần trồng vào giữa rồi vo viên lại.
Tiếp đến, "bom hạt giống" được các bạn trẻ đặt vào bãi đất trống, đất hoang nơi mình sinh sống, đi qua. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước.
|
Một bom có năm loại hạt. |
Theo anh Phạm Thanh Tuấn (người khởi xướng làm "bom hạt giống"), trong 1 bom có tới 5 loại hạt: Cây tiên phong, cây tạo tán, cây cố định đạm và dược liệu tầng thấp. Sau khi cây con mọc có sẵn một lượng dinh dưỡng là phân ủ trộn với đất đủ để cây phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài 2-3 tháng đủ cho cây con cứng cáp, khi mùa khô hạn đến sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.
Nhờ sự nhỏ gọn của mỗi quả “bom hạt giống”, ngay cả mùa khô cũng có thể mang đi để vào khu vực phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong bom.
Theo anh Tuấn, sử dụng “bom hạt giống” giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng. “Bom hạt giống” có thể tận dụng các loại cây đặc hữu tái sinh bằng hạt, có khả năng chịu hạn cao để phát triển diện tích rừng tự nhiên.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu năm 2021, có gần 20.000 ha rừng của các công ty lâm nghiệp, khoảng 5.400 ha rừng của các dự án nông lâm nghiệp và đặc biệt là hơn 25.000 ha rừng do UBND cấp xã quản lý đã và đang bị xâm chiếm trái phép. Việc lấn chiếm đất rừng ở Đắk Lắk đang rất nóng bỏng và liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cùng với năng lực hạn chế của chủ rừng thì tình trạng rừng bị xâm hại có nguyên nhân lớn từ cơ chế, chính sách. Nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng hiện nay rất hạn chế, đời sống cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chưa đảm bảo, trong khi trách nhiệm lại quá nặng nề.
Đã 5 năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng và thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ, khôi phục rừng tự nhiên. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ rừng đang hết sức gian nan trước nạn xâm canh, không chỉ từ người dân mà còn xuất hiện những đối tượng mới, những đầu nậu có dấu hiệu, có tính chất hệ thống, có tổ chức. Trong khi nguồn lực dành cho quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, hàng loạt chủ rừng cũng cho thấy năng lực rất yếu kém, nhiều chủ rừng còn buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng phá rừng càng khó kiểm soát.
Đăk Lăk là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên là1.312.537 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 714.082,88 ha, chiếm 54,4% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Rừng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều các nguyên nhân khác nhau mà rừng Đăk Lăk liên tục bị suy giảm nhanh chóng cả số lượng và chất lượng, là nguyên nhân của những thiên tai bất ngờ đã và đang có xu thế mạnh, thường xuyên như lũ lụt, hạn hán.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường