Từ hoạt động khai thác không phép…
Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La về việc Công ty CP khoáng sản Tây Bắc (gọi tắt là Công ty Tây Bắc) trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn gây mất an toàn cho người dân sống quanh khu vực. Đặc biệt, tính mạng của hàng chục học sinh tại điểm trường bản Ngậm luôn bị đe doạ mỗi khi Công ty Tây Bắc nổ mìn khai thác. Sự việc đã được người dân phản ánh đến các cấp chính quyền huyện Bắc Yên nhưng đã nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc.
|
Điểm khai thác mỏ đồng của Công ty Tây Bắc nằm ngày sát khu dân cư và điểm trường bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên |
Để làm rõ sự việc PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại bản Ngậm để mục sở thị mỏ đồng của Công ty Tây Bắc. Để đến được địa điểm này, ngoài việc phải di chuyển hơn 300km đường bộ từ Hà Nội đến huyện Bắc Yên, tiếp đó PV phải di chuyển bằng đò hết gần 2 tiếng đồng hồ cho 25km đường sông mới vào được đến bản Ngậm.
|
Để vào đến bản Ngậm, PV phải di chuyển bằng đò hết gần 2 tiếng đồng hồ cho 25km đường sông |
Được biết, mỏ đồng bản Ngậm có diện tích 2,4ha, nằm trong lòng hồ thủy điện Sông Đà, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân, đều là dân tộc Mường. Cuộc sống của bà con nơi đây vốn đã nhiều khó khăn, thì giờ đây còn phải gánh chịu thêm nhiều “vấn đề” do Công ty Tây Bắc gây ra.
Theo tài liệu mà PV thu thập được cho thấy, mặc dù Công ty Tây Bắc được cấp Giấy phép khai thác số 597/GP/UBND do UBND tỉnh Sơn La cấp ngày 20/03/2918. Tuy nhiên đơn vị này đã tiến hành khai thác từ năm 2016, điều này được thể hiện trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2102/QĐ-XPHC ngày 01/08/2017 do UBND tỉnh Sơn La ban hành với mức xử phạt là 170 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính khi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đến “đe doạ” tính mạng học sinh, người dân
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Muôn, đã sinh sống ở bản Ngậm từ nhỏ cho biết: "Công ty Tây Bắc bắt đầu khai thác từ năm 2016, đến năm 2020 thì chuyển sang thuê Công ty TNHH MTV Việt Hưng - Tây Bắc khai thác. Khoảng cách từ điểm mỏ đến các hộ dân rất gần, như nhà ông Đinh Văn Sòn chỉ cách khoảng 25m. Khoảng cách này không đảm bảo an toàn cho người dân, nên chúng tôi luôn sống trong cảnh hoang mang, lo sợ”.
Để minh chứng cho tính mạng người dân bị “đe doạ”, ông Muôn nhớ lại: “Trong năm 2019, khi Công ty Tây Bắc nổ mìn khai thác lộ thiên thì một viên đá rất to rơi thẳng xuống nhà ông Đinh Văn Khương, khi đó ông Khương và một cháu ngoại đang ăn cơm. Sự việc khiến cho cháu bé rơi vào hoảng loạn trong một thời gian dài".
|
Cháu N.V.T bị hòn đá to rơi ngay sát người khi đang ăn cơm cùng ông ngoại, khiến cháu hoảng loạn một thời gian dài. |
Còn theo ông Đinh V.Đ (Giáo viên dạy tại điểm trường bản Ngậm đã 27 năm) tỏ ra bức xúc và lo lắng cho tính mạng của cả thầy và trò: "Khoảng cách từ điểm mỏ đến khu vực trường chỉ 50m, mỗi lần công ty nổ mìn vào khoảng 11h15’ và 5h chiều là tôi đều phải nhắc các em học sinh phải chạy ngay nếu không là chết đấy. Có người còn không muốn cho con đi học vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của các em. Mặt khác, số tiền nhà nước bỏ ra để xây điểm trường lên đến gần 2 tỷ đồng nhưng đến giờ cũng bị nứt nhiều chỗ".
Đánh giá về việc Công ty Tây Bắc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, ông Đinh Văn Khiếu, Công an viên xã Song Pe bức xúc cho biết: "Công ty cam kết sẽ có xe phun nước để rải đường khi hết ngày làm việc nhưng không thực hiện nên bụi bẩn bay khắp nơi. Ngay con đường chở hàng ra cảng của công ty phải thực hiện là 4m và phải đổ bê tông nhưng thực tế chỉ có 3,5m và không làm bê tông như cam kết, hay như kè chống sạt lở phải làm thì công ty cũng chỉ hứa rồi để đấy. Sự việc đã được chính quyền vào kiểm tra xong cũng không có biện pháp gì để giúp dân đỡ khổ hơn".
Ở một diễn biến khác, liên quan đến sự việc trên PV đã có buổi làm việc với bà Đinh Thị Bích - Chủ tịch UBND xã Song Pe. Trao đổi với PV về những “vấn đề” của Công ty Tây Bắc, người đứng đầu chính quyền xã này bức xúc cho hay: "Hiện tại công ty còn những hạng mục trong đề án bảo vệ môi trường chưa thực hiện đúng như người dân phản ánh, tuy nhiên xã không đủ thẩm quyền để xử lý. Việc này chúng tôi cũng đã có văn bản gửi lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tình hình an ninh trật tự trong khu vực đó rất phức tạp, muốn vào trong bản Ngậm phải mất gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng đò nên không thể kiểm tra thường xuyên được".
Ngoài ra, theo báo cáo của xã Song Pe liên quan đến hoạt động của mỏ đồng trên vào ngày 27/02/2021 cũng nêu rõ: "Qua nắm tình hình tại bản Ngậm, việc nổ mìn thường xuyên của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc gây ra tiếng ồn, dư chấn ảnh hưởng đến sinh hoạt, tinh thần của người dân đặc biệt là việc học tập của các cháu học sinh".
Để thông tin được khách quan, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm trước sự việc trên của UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên nhưng ông Kỳ lấy lý do bận họp và tắt máy.
Sau đó PV đã cố liên lạc (điện thoại, nhắn tin) lại với Chủ tịch Lê Văn Kỳ rất nhiều lần nhưng không nhận phản hồi. Qua sự việc này có thể thấy người đứng đầu chính quyền huyện Bắc Yên ngoài biểu hiện “né” báo chí, còn có dấu hiệu thờ ơ trước sự an nguy của công dân đang sinh sống trên địa bàn mình quản lý, chịu trách nhiệm. Liệu đây có phải là một phần nguyên nhân tại sao những “vấn đề” phức tạp tại bản Ngậm đến nay chưa được quan tâm, giải quyết (?!).
|
Người dân bản Ngậm bức xúc phản ánh những “vấn đề” về mỏ đồng của Công ty Tây Bắc với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam |
Để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, đặc biệt đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho các em học sinh đang theo học tại điểm trường bản Ngậm, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Tây Bắc, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có).
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.