Trong một thập kỷ qua, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của nhiều công dân nước ngoài. Các khu phố, khu dân cư của người Tây, người Trung Quốc, người Hàn mọc lên rầm rộ tại nhiều thành phố lớn như TP.Hồ chí Minh, Hà Nội, Nha Trang… Sự phát triển quá nhanh và quá nóng của các khu phố, khu dân cư này kéo theo các nhu cầu tất yếu về cuộc sống như giáo dục, y tế bị quá tải.
Trong số các cộng đồng người nước ngoài sống tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, cộng đồng người Hàn Quốc có số lượng đông đảo nhưng lại rất đặc thù về bản sắc văn hóa… Tâm lý chung của người Hàn Quốc là dù sống ở nước ngoài nhưng cách sinh hoạt, giao tiếp vẫn giàu chất Hàn Quốc.
Nắm bắt nhu cầu cấp thiết trên, nhiều trường học được gắn mác quốc tế của Hàn Quốc đã mọc lên như nấm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Xoay quanh câu chuyện học trường quốc tế Hàn Quốc cũng có nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Mới đây, tập thể phụ huynh có con theo học tại Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội đã viết đơn kêu cứu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các cơ quan báo chí, truyền thông về những bất cập tại ngôi trường này.
|
Đơn đề nghị của các bậc phụ huynh. |
Theo như lá đơn cầu cứu, đại diện phụ huynh cho biết họ đều có hoàn cảnh là từ đất nước Hàn Quốc sang Việt Nam để làm việc và sinh sống. Tại Hà Nội có rất nhiều trường quốc tế nhưng theo quảng cáo trên phương tiện thông tin của người Hàn Quốc tại Việt nam, họ tìm đến Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội tại phố Trần Vỹ để ghi danh cho con theo học.
Sau một thời gian con em theo học tại trường, họ mới tìm hiểu kỹ về trường và các quy định về trường quốc tế của Việt Nam và nhận thấy Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội (Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đang tồn tại rất nhiều điểm bất cập như: Các lớp học hiện rất đông học sinh (40-45 học sinh); Dù là trường quốc tế nhưng trường lại không dạy và nhận học sinh theo chuẩn quốc tế được quy định theo pháp luật Việt Nam. Trường đã tối đa hóa việc nhận học sinh vào học khiến học sinh học chen chúc trong một lớp, ăn tại bàn học vì nhà ăn đã được tận dụng thêm làm phòng học. Vậy liệu các cháu bị nhồi nhét và ăn uống như vậy có đảm bảo sức khỏe và chất lượng tiếp thu kiến thức của các cháu có bị ảnh hưởng hay không?
|
Các bậc phụ huynh phản ánh, con mình phải ăn trên bàn học (ảnh phụ huynh cung cấp). |
Các bậc phụ huynh cho biết, theo Điều 36, mục 4, Nghị định 86/2018/NĐ-CP Quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục: “Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Trường có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lóp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn; Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ;”.
Với trường phổ thông: “Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn; Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh; Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;”.
|
Ảnh phụ huynh cung cấp. |
Chiếu theo những quy định này, các bậc phụ huynh cho rằng Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm Nghị định 86. Điều này không khỏi khiến họ đặt câu hỏi: Nếu tận dụng diện tích như vậy thì chất lượng dạy có tuân theo quy chuẩn quốc tế không? Tiền các phụ huynh vẫn nộp đủ nhưng con cái họ lại có được hưởng các tiện ích xứng đáng với đồng tiền bỏ ra không? Ngoài những lý do trên, phụ huynh lo lắng việc này còn tiềm ẩn các nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy.
Điều 38 của Nghị định 86 về đội ngũ nhà giáo trong trường Quốc tế cũng quy định:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non:
- b) Số trẻ em tối đa trong 01 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ:
- Trẻ em 03 - 12 tháng tuổi: 15 trẻ em/nhóm;
- Trẻ em 13 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em/nhóm;
- Trẻ em 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em/nhóm.
Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo:
- Trẻ em 03 - 04 tuổi: 25 trẻ em/lớp;
- Trẻ em 04 - 05 tuổi: 30 trẻ em/lớp;
- Trẻ em 05 - 06 tuổi: 35 trẻ em/lớp.
- c) Số lượng giáo viên trong 01 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:
- Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ: 05 trẻ em/giáo viên;
- Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo: 10 - 12 trẻ em/giáo viên.
- Đối với cơ sở giáo dục phổ thông:
- b) Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỷ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học, 1,95 giáo viên/lớp đối với trường trung học cơ sở và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường trung học phổ thông;
- c) Số lượng học sinh/lớp không vượt quá 30 học sinh/lớp đối với trường tiểu học, 35 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Nhiều bậc phụ huynh nói rằng, nếu so sánh với các tiêu chí trên của Chính phủ quy định về trường quốc tế thì Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Hoàng Minh/Sở Hữu Trí Tuệ