Những vụ vi phạm bản quyền nghệ thuật ồn ào nhất 2020

DTVN 11:49 19/12/2020

Năm 2020 là năm chứng kiến nhiều vụ ồn ào liên quan đến vấn đề vi phạm bản quyền nghệ thuật, từ đạo nhạc đến đạo nhái thiết kế, đạo nhái tượng, đạo tranh...

Vụ đạo tượng ở Tuy Hòa

Thời gian vừa qua, trên các diễn đàn mạng xã hội ồn ào việc ông Nguyễn Thành Vinh (tỉnh Phú Yên) sao chép tác phẩm điêu khắc Tình biển của tác giả Lê Huy Hạnh và “đạo” tác phẩm điêu khắc Đồng đội của điêu khắc gia Vương Hữu Tư, để trang trí tại các tiểu cảnh ở công viên biển thành phố Tuy Hòa. Trong đó, bức tượng Đồng đội của nhà điêu khắc Vương Hữu Tư thể hiện hình tượng 3 chiến sĩ đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam đã chiến đấu, anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị đã được ông Nguyễn Thành Vinh tự tiện đổi tên thành Mẫu tử khiến tác giả rất bức xúc. Còn Tình biển đã được biến tấu một số chi tiết, để tên tác giả Nguyễn Thành Vinh và đem dự thi một giải thưởng văn học nghệ thuật của địa phương.

Cả hai họa sĩ nói trên đều khẳng định không hề cho phép họa sĩ Nguyễn Thành Vinh sao chép Tình biển và Đồng đội, vì 2 tác phẩm này thuộc chủ sở hữu là UBND TP.HCM và UBND tỉnh Quảng Trị.

Ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên cho biết: “Họa sĩ Nguyễn Thành Vinh thừa nhận đã sao chép trái phép 2 tác phẩm nêu trên, nhận khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì đã sao chép trái phép tác phẩm của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên; đồng thời xin rút khỏi giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 5 (2016 - 2020) để khỏi ảnh hưởng đến Hội".

Vụ đạo tranh cổ động gây ồn ào

Thời gian gần đây, một số họa sĩ đã thông tin trên Facebook về việc bức tranh cổ động Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của họa sĩ Dương Ngân Hải được Cục Văn hóa cơ sở trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm APEC Việt Nam 2017 là tác phẩm "đạo nhái" lại một bức tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô.

Tiếp đó, bức tranh cổ động Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ này tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cũng là một tác phẩm đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.

Họa sĩ Hải thừa nhận những thông tin về việc đạo tranh của anh là "cũng có phần đúng", anh "có đạo nhái" và anh "không biết nói thế nào".

Họa sĩ Hải giải thích rằng trong quá trình sáng tác hai tác phẩm trên, đã tìm hiểu trên mạng xã hội và tìm thấy hai tác phẩm rất phù hợp với ý tưởng mà mình đang muốn thể hiện nên đã "mượn" từ đó để thể hiện những ý đồ của mình.

Giải nhì tài năng múa bị tố đạo tác phẩm nước ngoài

Cuộc thi Tài năng diễn viên múa - 2020 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 15/10 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), tại TP.HCM từ ngày 9 đến 10/10 ở Nhà hát Quân đội. Lễ tổng kết và trao giải vào ngày 17/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Năm nay các buổi thi đều được đăng trên YouTube. Ngay sau khi buổi diễn tổ chức ngày 9/10 được đăng trên YouTube, một tài khoản nước ngoài tên là MN Dance Company đã bình luận tiết mục Số không của Việt Nam sao chép tác phẩm S/HE của công ty này.

"Thật buồn khi người biên đạo điệu múa sao chép phần vũ đạo của chúng tôi và ký tên dưới tác phẩm này. Tác phẩm của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017... Biên đạo múa đã sử dụng âm nhạc từ màn trình diễn của chúng tôi, vốn do Diaphane sáng tác.

Tác phẩm của chúng tôi có thể được sử dụng như khơi gợi nguồn cảm hứng chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép. Xin cảm ơn", dòng bình luận của tài khoản MN Dance Company.

Dễ nhận thấy Số không giống S/HE từ vũ đạo, âm nhạc, đến cách sử dụng đạo cụ trên sân khấu.

MV Chân ái của Châu Đăng Khoa bị tố đạo nhạc

Vào giữa tháng 2/2020, ca khúc Chân Ái do Châu Đăng Khoa sáng tác, nữ ca sĩ Orange thể hiện đã nhận được quan tâm. Nhiều người nhận ra ca khúc này có phần dạo đầu giống với ca khúc Lier của Elem3ntz, đăng tải ở một trang nhạc có tiếng trên mạng vào tháng 6/2019. Nhiều ý kiến cho rằng Châu Đăng Khoa đã đạo nhái, bởi nếu mua phần beat (đoạn nhạc nền) thì ở phần credit (chữ chạy cuối) MV Chân ái phải có chú thích. Thực tế, cuối MV không hề xuất hiện thông tin Châu Đăng Khoa có sử dụng phần beat của Lier. Mãi sau này, nhà sản xuất âm nhạc (producer) Addy Trần mới cho hay Châu Đăng Khoa đã bỏ 600 USD mua beat và ê kíp sản xuất phải dặm nhiều thứ như sáo, đàn tranh thật... vào đoạn nhạc để hoàn thành bản cuối cùng.

Không chỉ thế, MV Chân ái do Denis Đặng làm giám đốc sáng tạo, Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn cũng bị cư dân mạng “tố” sao chép hình ảnh, nội dung bộ phim kinh dị Hồng Kông Lời nguyền rằm tháng 7.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhung-vu-vi-pham-ban-quyen-nghe-thuat-on-ao-nhat-2020-d86375.html

Bạn đang đọc bài viết Những vụ vi phạm bản quyền nghệ thuật ồn ào nhất 2020 tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Xã hội
Tin tức mới nhất