Trong số 51 TCTD (bao gồm các ngân hàng thương mại và công ty tài chính trong nước) có 24 tổ chức cho vay lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Vậy dư địa để các TCTD tham gia vào cho vay đầu tư hạ tầng giao thông còn hay không?
|
Tính đến ngày 31/3/2019, có 24 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với 105 dự án BOT, BT giao thông. Ảnh: Lê Tiên. |
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tính đến ngày 31/3/2019, có 24 TCTD thực hiện cấp tín dụng đối với 105 dự án BOT, BT giao thông. Trong đó, 93 dự án đã hoàn thành đi vào khai thác, 12 dự án đang triển khai, với tổng số dư cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng, chiếm 1,39% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế, giảm 3,43% so với cuối năm 2018. Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nhóm 1; nợ xấu rơi vào khoảng 1.496 tỷ đồng, chiếm 1,44% tổng số dư.
Dù có tới 24 TCTD tài trợ cho các dự án BOT, BT giao thông, tuy nhiên 4 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, SHB và Vietcombank đã có tổng dư nợ chiếm tới 89,8% so với toàn ngành. Trong đó, dư nợ cho vay của BIDV và VietinBank chiếm 77,8%.
Về tình hình trả nợ, trong 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, có 30 dự án không đạt doanh thu như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 53.290 tỷ đồng.
Cụ thể, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng (trong đó 1 dự án hợp vốn với Vietcombank và LienVietPostBank, 1 dự án hợp vốn với OceanBank), chiếm 4% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. SHB có 5 dự án với dư nợ 3.910 tỷ đồng, chiếm 1,73% tổng dư nợ. Đối với BIDV và Vietcombank, tổng dư nợ của các dự án có doanh thu không đạt theo dự kiến chỉ chiếm chưa đến 1% tổng dư nợ cho vay (BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng, chiếm 0,64% tổng dư nợ; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng, chiếm 0,34%).
Tại Hội nghị thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời gian vừa qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào TCTD trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao.
Theo đánh giá của NHNN, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn; việc cho vay các dự án BOT, BT giao thông gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, do nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
“Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định. Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn khi theo quy định của NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018.
Ông Tú khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT. Tuy nhiên, phải tính toán làm sao để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng như các chỉ số an toàn, hệ số an toàn vốn (CAR)… của các ngân hàng thương mại.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thu hút ngân hàng tham gia tài trợ đầu tư dự án BOT, BT giao thông trong bối cảnh hiện nay không phải chuyện dễ. Các dự án BOT, BT giao thông cần nguồn vốn lớn và cho vay trong thời gian dài, trong khi ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, nên họ không thể hoặc không muốn tham gia tài trợ. Tuy nhiên, trường hợp các ngân hàng huy động được nguồn vốn trung và dài hạn thì nên tạo điều kiện cho họ tham gia.
Ông Nguyễn Trí Hiếu thông tin thêm, các ngân hàng có vốn nhà nước có tỷ trọng cho vay đầu tư BOT, BT giao thông lớn một phần do nguồn vốn trung và dài hạn của họ khá dồi dào với chi phí giá vốn rẻ.