Trích lục là gì?
Trước tiên phải khẳng định rằng, mặc dù các văn bản có nhiều quy định về trích lục nhưng lại chưa có định nghĩa chung, thống nhất về thủ tục này.
Hiện nay mới chỉ có định nghĩa về trích lục hộ tịch, cụ thể, theo khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 quy định:
Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Còn bản sao trích lục hộ tịch bao gồm:
- Bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch;
- Bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều giấy tờ, hồ sơ cần trích lục như trích lục bản đồ địa chính, ghi chú ly hôn hay hồ sơ hành chính bên cạnh những loại trích lục phổ biến như trích lục khai sinh, trích lục kết hôn, trích lục hộ khẩu…
Theo đó, có thể hiểu, trích lục là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ, hồ sơ của người có yêu cầu.
|
Trích lục là gì? Giá trị pháp lý của bản trích lục (Ảnh minh họa) |
Giá trị pháp lý của bản trích lục
Như đã trình bày ở trên, bản sao trích lục có 02 loại là bản sao trích lục được cấp từ sổ gốc và bản sao trích lục được chứng thực từ bản chính.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thêm vào đó khoản 2 Điều này quy định, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bản sao trích lục có giá trị tương tự như bản chính được sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.
Nguồn: Luật Việt Nam