Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất cập nhật hôm nay 20/2/2021

DTVN 12:40 20/02/2021

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/2/2021, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày 20/2 tổng hợp đầy đủ, nhanh nhất hôm nay 20/2/2021.

Tin tức dịch Covid-19 hôm nay 20/2 tại Việt Nam

- Tính đến 6h ngày 20/02: Việt Nam có tổng cộng 1463 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 770 ca.

- Tính từ 18h ngày 19/02 đến 6h ngày 20/02: 0 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 125.572, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 594

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.316

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 111.662.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay. Ngoài ra, có thêm 2 bệnh nhân nặng khác đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 và BV dã chiến số 2 của Hải Dương.

Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời với đó là đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc xin vắc xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Chiều ngày 19/2, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vắc xin Nano Covax "made in Việt Nam" phòng COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình…

Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vắc xin đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vắc xin thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.

Trước đó, sáng 19/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều.

“Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin. Tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để đảm bảo vắc xin cho người dân, để đảm. bảo hiệu quả trong phòng chống dịch”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu người chết vì Covid-19 trong khoảng 111 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil. Trong tuần qua thế giới ghi nhận 2,7 triệu ca nhiễm mới, giảm 16% so với tuần trước đó và số ca tử vong cũng giảm 10%.

Liên quan đến các biến thể của nCoV, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo đến ngày 16/2, biến thể Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 8 quốc gia, vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Biến thể Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia. Biến thể Brazil đã xuất hiện tại 21 quốc gia.

Việc tiêm chủng vacicne ngừa Covid-19 đã bắt đầu tại ít nhất 70 nước và vùng lãnh thổ. Tính tới ngày 17/2, khoảng 178 triệu liều đã được tiêm trên toàn thế giới (tương đương khoảng 1% dân số toàn cầu). Hiện Mỹ là quốc gia đã tiêm chủng được nhiều liều nhất với 52,88 triệu liều.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đang làm việc với các đối tác nhập khẩu vaccine để sớm đưa về Việt Nam phục vụ người dân. Song song đó là đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vaccine một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc. Các đơn vị tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin tức dịch Covid-19 thế giới hôm nay 20/2

Theo Worldometers, tính đến sáng sớm 20/2 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 111,2 triệu người với gần 2,5 triệu ca tử vong. Song, hơn 86 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với xấp xỉ 28,6 triệu ca mắc, trong đó 507.290 người không qua khỏi. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch của xứ sở cờ hoa đang có dấu hiệu tiến triển tích cực khi trong 2 tuần qua, nước này ghi nhận số ca mắc virus corona chủng mới trung bình hàng ngày dưới 100.000 người.

Mỹ bác bỏ giả thuyết gây tranh cãi của Trung Quốc

Các lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp cũng như Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cùng ra tuyên bố chung nhấn mạnh, sau hơn một năm kể từ khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu, các cơ quan này không phát hiện bằng chứng đáng kể nào cho thấy mầm bệnh có thể lây lan qua thực phẩm và việc đóng gói thực phẩm như một giả thuyết gây tranh cãi, được các quan chức y tế Trung Quốc ủng hộ.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, không có mấy quốc gia lo ngại về nguy cơ lây nhiễm theo cách trên do virus được xác định chủ yếu lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi mọi người tiếp xúc gần. Song, ở Trung Quốc, giả thuyết đã trở thành một căn cứ then chốt cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Hàng triệu gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã được khử trùng khi nhập cảnh vào đại lục. Nhà chức trách tiến hành xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu để tìm dấu vết của virus. Các công ty thực phẩm nước ngoài vi phạm những yêu cầu trên phải đối mặt với lệnh cấm.

Các cơ quan y tế Trung Quốc quy kết một số ca mắc của các công nhân trong ngành công nghiệp thực phẩm ở nước này với cá hồi, cá tuyết và thịt lợn đông lạnh bị nhiễm khuẩn, với lý do các bệnh phẩm dương tính và không rõ nguồn lây nhiễm. Họ cũng chạy đua để truy vết những mặt hàng có kết quả xét nghiệm kiểm dịch dương tính, bao gồm cả tôm xuất xứ Ảrập Xêút, quả anh đào Chile và kem làm từ sữa bột Ukraina.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới khẳng định không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc nhiễm bệnh ở Trung Quốc là do tiếp xúc với các sản phẩm nói trên. Theo các chuyên gia, dù về mặt lý thuyết rủi ro có thể xảy ra, nhưng nguy cơ một nhân viên thực phẩm phát bệnh khi chạm vào một gói hàng đã bị một bệnh nhân ở nước khác ho hoặc hắt hơi vào cực kỳ thấp.

Hàn Quốc giảm ca mắc

Yonhap đưa tin, tình hình đại dịch ở Hàn Quốc cải thiện đáng kể khi số ca mắc mới đã quay trở lại dưới ngưỡng 600 ca/ngày, trong bối cảnh nhà chức trách đang tăng cường giám sát các nhà máy sản xuất cũng như bệnh viện nhằm chặn đứng sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm.

Trong 24 giờ qua, xứ sở kim chi ghi nhận thêm 561 ca dương tính, nâng tổng bệnh nhân trên toàn quốc lên 86.128 người. Tổng số trường hợp tử vong tại Hàn Quốc tính đến sáng 20/2 là 1.550 người, tăng 6 trường hợp so với một ngày trước đó.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Địa chính và Giao thông, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) và những cơ quan liên quan khác trong nước tiến hành buổi diễn tập lần 2, mô phỏng quá trình vận chuyển vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Anh AstraZeneca từ cơ sở sản xuất đến các trung tâm y tế. Động thái nhằm chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc dự kiến bắt đầu ngay trong tháng 2 này.

G7 cam kết tăng hỗ trợ các nước nghèo

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 trực tuyến do Anh chủ trì hôm 19/2, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tăng gấp đôi đóng góp lên 1 tỷ Euro và Đức thêm 1,5 tỷ Euro cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn để giúp nhiều nước nghèo có vắc-xin ngừa Covid-19.

Tại hội nghị thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Canada, tân lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden cũng hứa Washington sẽ đóng góp 4 tỷ USD cho sáng kiến nói trên.

Thông cáo chung sau hội nghị tổng kết, G7 cam kết đóng góp tổng cộng 7,5 tỷ Euro (9,1 tỷ USD) cho COVAX. Cơ chế này đặt mục tiêu cung cấp 1,3 tỷ liều vắc-xin cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố, hệ thống y tế nước này sẽ vững vàng trước làn sóng dịch bệnh thứ 3 đang dâng cao. Lãnh đạo Hungary cũng cam kết tăng tốc chiến dịch tiêm chủng khi nhận được các lô vắc-xin mới trong bối cảnh một số quốc gia Trung Âu đang chật vật đảm bảo các dịch vụ chăm sóc y tế giữa dịch bệnh hoành hành.

- Hãng Johnson & Johnson vừa trình WHO hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng sản xuất. Chế phẩm của hãng là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường, một ưu điểm lớn đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém.

- Cơ quan chuyên trách vắc-xin Liên minh châu Phi (AU) ngày 19/2 cho biết, Nga đã đề nghị cung cấp cho lục địa đen 300 triệu liều vắc-xin, bao gồm cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vắc-xin Sputnik V do nước này phát triển. Trước đó, AU thông báo đã đặt mua 270 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của các hãng dược AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson. Các lô hàng dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay.

- Theo đài truyền hình NRK, trong vòng 24 giờ, Na Uy đã phát hiện một biến chủng virus corona chủng mới tương tự những biến thể virus xuất hiện ở Anh và Nam Phi. Nhà chức trách hiện chưa thể xác định liệu biến chủng mới được đặt tên B.1.525 này có nguy hiểm hơn những phiên bản virus trước đây hay không.

- Chủ tịch Viện dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số ca mắc các biến thể của virus corona chủng mới, khiến các nỗ lực dập dịch trở nên khó khăn hơn. Theo các quan chức này, tỷ lệ lây nhiễm virus ở Đức vẫn ở mức cao và tình hình có thể nghiêm trọng trở lại trong vài tuần tới như thời điểm Giáng sinh năm ngoái.

T.Anh (TH)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tin-tuc-dich-covid-19-moi-nhat-nong-nhat-cap-nhat-hom-nay-20-2-2021-d89946.html

Bạn đang đọc bài viết Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất cập nhật hôm nay 20/2/2021 tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h
UBND tỉnh Hà Giang vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh này vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Tin tức mới nhất