Người tiêu dùng có thể dễ dàng thấy trên các trang mạng, facebook, zalo... rầm rộ chào bán sỉ, lẻ các mặt hàng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Đức, Brazil, Ba Lan... dưới dạng chân giò, cốt lết, sườn, nạc dăm, sụn heo... hoặc bán nguyên thùng 10kg, 20kg.
Thịt lợn nhập khẩu còn được các đầu mối rao bán với giá siêu rẻ, nhiều mặt hàng có giá rẻ như rau ngoài chợ.
|
Thực hư nguồn gốc thịt giá rẻ 'gắn mác' nhập khẩu tràn lan trên mạng |
Trong bối cảnh giá heo nội đắt đỏ thì trên mạng xã hội Facebook rao bán thịt heo ngoại nhập siêu rẻ, có khi chỉ bằng 1/4 so với giá heo trong nước. Theo đó, chỉ cần gõ cụm từ “thịt heo nhập khẩu”, ngay lập tức hàng loạt địa điểm bán hàng hiện ra. Tại một trang chuyên bán thịt heo nhập khẩu đông lạnh, giá bán thịt cốt lết, giò heo ngoại nhập từ Đức, Ý, Canada… chỉ từ vài chục ngàn.
Không chỉ có giá rẻ đến bất ngờ, mà người tiêu dùng còn khá băn khoăn khi cùng một loại thịt, nhưng nhiều chủ tài khoản lại bày bán với giá chênh lệch nhau khá nhiều. Chẳng hạn, cùng là sườn non heo Mỹ, nhưng có chủ tài khoản Facebook lại rao bán từ 99 - 180 nghìn đồng/kg, chênh lệch nhau gần 100 nghìn đồng/kg. Mặt khác, nếu như các loại thịt nhập khẩu tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đều được niêm yết chính xác nguồn gốc thịt và hạn sử dụng; thì những người bày bán trên mạng đều chỉ nêu chung chung rằng thịt nhập từ Mỹ, Úc, Brazil... chứ không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như kiểm định an toàn thực phẩm.
Trước việc thịt nhập khẩu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay, các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra nguồn gốc, chỉ số an toàn và đặc biệt là hạn sử dụng. Còn người tiêu dùng, nên chọn mua thịt nhập khẩu tại các siêu thị, cửa hàng uy tín, có niêm yết rõ ràng nguồn gốc để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, có rất nhiều trường hợp, các ngành chức năng tại các địa phương qua kiểm tra, rà soát, đã phát hiện nhiều lô thịt nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, hoặc quá hạn sử dụng... bị tuồn ra thị trường. Thậm chí, có hiện tượng các doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh dưới danh nghĩa nhập về làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, nhưng “phù phép” để bán trôi nổi trên thị trường.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo