|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ bên phải) thị sát một phòng xét nghiệm ở CDC Hà Nội. |
Đây là cam kết của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc chiều 1/2, tại trụ sở CDC Hà Nội.
Thần tốc, quyết liệt để cơ bản nắm chắc, kiểm soát tình hình
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến nay thành phố đã ghi nhận 19 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại 5 quận huyện (Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Mê Linh, Đông Anh, Nam Từ Liêm). Ba quận, huyện là Mê Linh, Đông Anh, Nam Từ Liêm được xác định có nguy cơ cao với những ca F1, F2 trở thành F0.
Toàn Thành phố đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm khoảng 15.000 người đến từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh. Dự kiến, trong ngày mai, những mẫu cuối cùng sẽ có kết quả. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã xét nghiệm hết các trường hợp nghi ngờ F0, F1, F2.
Vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là phải nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, cách ly các trường hợp lây nhiễm từ F1, F2 trở thành F0.
Hiện nay, năng lực xét nghiệm trong 1 ngày đêm của CDC Hà Nội, và các bệnh viện của Thành phố có thể đạt khoảng 5.000 mẫu đơn hoặc 15.000-20.000 mẫu trộn.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Hà Nội cần hỗ trợ những gì để có thể cùng với Hải Dương, Quảng Ninh khống chế, kiểm soát được dịch trong vòng 10 ngày, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố dự kiến sẽ lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp F2. Vì vậy, cùng với các đơn vị xét nghiệm trực thuộc, Hà Nội mong muốn nhận được sự chi viện từ các đơn vị của Bộ Y tế.
Đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, điều trị theo, thành phố đề nghị lực lượng quân đội sẵn sàng để hỗ trợ chỗ cách ly tập trung khi có yêu cầu; các bệnh viện của Trung ương hỗ trợ điều trị trong trường hợp số bệnh nhân COVID-19 tăng cao.
“Nếu không có tình huống đột xuất, đến hết ngày mai, ngành y tế sẽ cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Khắc Hiền cam kết.
|
Bên trong một phòng xét nghiệm của CDC Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không thể chủ quan, tiếp tục từng giờ, từng phút
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hà Nội là đô thị rất lớn, giao lưu, đi lại nhiều, rất khó kiểm soát. Tuy nhiên như báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay cơ bản những trường hợp đã đi qua vùng dịch ở TP. Chí Linh, một phần huyện Nam Sách, huyện Kinh Môn (Hải Dương), thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) khi về Hà Nội đều đã cơ bản được xác định F1, F2, thậm chí F3, hoàn thành mẫu xét nghiệm lần 1.
“Hà Nội không thể chủ quan dù mới chỉ có 19 ca bệnh vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây rất nhanh”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Sau khi cùng với các đơn vị của Bộ Y tế phục vụ bảo đảm an toàn cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, Phó Thủ tướng đề nghị các cán bộ, nhân viên của CDC Hà Nội tiếp tục cố gắng, nỗ lực để cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
“Tôi rất mừng khi nghe Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Giám dốc CDC Hà Nội cam kết 99% là sẽ cùng với Hải Dương, Quảng Ninh thì Hà Nội có thể cơ bản khoanh gọn và dập được dịch trong vòng 10 ngày kể từ khi ghi nhận ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Còn 5 ngày nữa, các đồng chí phải tiếp tục từng giờ, từng phút”, Phó Thủ tướng nói.
Trước mắt, Phó Thủ tướng cho rằng với năng lực xét nghiệm của CDC Hà Nội, các bệnh viện của thành phố, khi có thêm sự chi viện của Trung ương thì hoàn toàn có thể đạt mức 20.000 - 30.000 mẫu/ngày, vấn đề là công tác điều phối. Hiện nay tỉnh Hải Dương đã cơ bản tự đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm tại chỗ, vì vậy, một số đơn vị của Bộ Y tế sẽ rút về tăng cường cho Hà Nội nếu cần thiết.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, CDC Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Về lâu dài, với sự lây lan nhanh của biến thể mới, khó dự đoán, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế Hà Nội “vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm”, như vừa qua lần đầu tiên Thành phố phải phong tỏa cả một trường học, hay cách ly học sinh nhỏ tuổi ngay trong trường.
“Sau này, chúng ta cần rút kinh nghiệm của thế giới, những lần chống dịch trước để hoàn thiện phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như trong trường hợp thiếu chỗ cách ly tập trung, đặc biệt tại khu vực nông thôn, có thể xem xét trong một khu dân cư thì những trường hợp nguy cơ cao được tách riêng, cách ly nghiêm ngặt”, Phó Thủ tướng trao đổi.
Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cần kết hợp nhiều hình thức xét nghiệm khác nhau, giữa xét nghiệm kháng nguyên hay kháng thể, xét nghiệm nhanh hay dùng phương pháp RT-PCR, mẫu đơn hay mẫu trộn… làm sao cho hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, sát cánh với TP. Hà Nội trong công tác phòng chống dịch.
Dẫn lại bài học từ ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng, hay ổ dịch ở Công ty POYUN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều BV, nhà máy, công sở, trung tâm thương mại, trường học… vì vậy, không thể để xảy ra tình trạng dịch xuất hiện nhiều ngày mà không biết. Muốn vậy, tất cả các cơ sở y tế, rồi đến trường học, cơ sở lưu trú, bến bãi, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại… trên địa bàn Thành phố phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). Nơi nào an toàn mới được hoạt động, và quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Thực hiện những việc này không chỉ phục vụ trực tiếp cho phòng chống dịch mà còn tác động đến từng người dân không chủ quan, mất cảnh giác đối với dịch bệnh ngay cả trong những thời điểm an toàn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong phòng chống dịch ở thời điểm sát Tết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. Hà Nội cần có các quy định chi tiết nhưng linh hoạt để bảo đảm an toàn nhưng không quá cực đoan.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tặng một số bộ sách các cháu học sinh đang phải cách ly tại trường tiểu học Xuân Phương. Ảnh VGP |
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã gửi tặng một số bộ sách cho các cháu học sinh đang phải cách ly tại trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
* Trước đó, sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 báo cáo về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm COVID-19 thời gian qua.
Phó Thủ tướng kêu gọi người dân ở vùng dịch sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về tất cả những người đã tiếp xúc. Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước.
Theo Báo Chính phủ