Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2020

DTVN 11:19 01/09/2020

Từ ngày 1/9/2020, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành như đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt; “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”; Quy định chi tiết về Luật Kiến trúc..

“Trạm thu giá” trở về tên “trạm thu phí”

Từ 15/9, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 49 (năm 2016).

Theo quy định tại Thông tư 49 trước đây, trạm thu phí được đổi tên thành trạm thu giá. Nhưng khi Thông tư 15 có hiệu lực, trạm thu giá sẽ được trở về với tên ban đầu là trạm thu phí.

Cũng theo quy định tại văn bản pháp luật này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

“Trạm thu giá” sẽ trở về tên cũ “trạm thu phí” từ 15/9. Ảnh: Việt Tường.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh.

Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị

Từ ngày 07/9, Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị.

Cụ thể, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc; Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình; Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

Công trình kiến trúc phải có giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị,

Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử; Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương; Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

Đăng ký hộ tịch trực tuyến

Từ ngày 15/9, Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến có hiệu lực.

Theo đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Cụ thể, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến.

Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Ngay trong ngày làm việc, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật của hồ sơ…

Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt

Đây là một nội dung đáng chú ý khác được quy định trong Nghị định 82.

Theo quy định trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo.

Tuy nhiên, Nghị định 82 có hiệu lực từ 1/9 đã bãi bỏ quy định này. Như vậy, bố mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ không còn bị phạt.

Ảnh minh họa

Nghị định này cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:

- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh, phạt 1-3 triệu đồng.

- Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh, phạt 3-5 triệu đồng.

Phạt đến 30 triệu nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo

Cũng tại Nghị định 82 của Chính phủ quy định phạt tiền với các cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công chức hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, mức phạt 20-30 triệu đồng sẽ áp dụng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm sau:

- Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch

- Giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng.

- Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch.

- Cản trở hoạt động công chứng.

Đồng thời, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm trên (trừ hành vi cản trở hoạt động công chứng).

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần

Nội dung này được quy định tại Nghị địnhh 88 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Văn bản pháp luật này sẽ có hiệu lực từ 15/9.

Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.

Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám.

Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo

Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:

Được sự đồng ý của người đó.

Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Hoài Thu (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2020 tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội
Tin tức mới nhất