Sổ đỏ là gì? Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất"
Như vậy, sổ đỏ là từ mà người dân thường sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất căn cứ vào màu sắc của Giấy chứng nhận.
|
Ảnh minh họa |
Ngồi ở nhà vẫn làm được sổ đỏ
Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ 8/2/2021. Nghị định mới có một số điểm thay đổi quan trọng liên quan đến sổ đỏ, trong đó có quy định người dân có quyền được lựa chọn thời gian, địa điểm làm sổ đỏ.
Cụ thể:
Tùy theo nhu cầu, người dân có thể lựa chọn thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai/tài sản gắn liền với đất, cấp/cấp đổi/cấp lại giấy chứng nhận, chỉ cần thỏa thuận trước với Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất.
Lưu ý, việc thỏa thuận và giải quyết thủ tục này không được quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND tỉnh quy định.
Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa thì thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Có thể thấy quy định khá cởi mở này sẽ giúp ích rất nhiều cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện để họ thực hiện việc xin cấp sổ đỏ mà không mất quá nhiều công sức, thời gian chờ đợi, đến làm thủ tục tại các cơ quan chức năng như trước đây.
Nghị định số 148 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cũng đánh giá Nghị định số 148 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Như khoản 17 điều 1 Nghị định số 148 quy định dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền được thực hiện tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị (khoản 2 điều 41).
Theo ông Châu, quy định này phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sức mua của thị trường, vì đã cho phép thực hiện dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền tại các huyện thuộc các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương và tại các đô thị loại II, III, IV, V, trừ khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền những tuyến đường cấp khu vực trở lên và tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
Từ đó đã giải quyết nhu cầu rất lớn của cá nhân, hộ gia đình là được mua nền để tự xây dựng nhà trong dự án nhà ở tại các khu vực đô thị; đồng thời khắc phục tình trạng dự án phân lô, bán nền tràn lan trong khi chủ đầu tư không xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với hạ tầng chung của khu vực, không có các công trình dịch vụ...
"Nghị định số 148 không chỉ giúp hàng ngàn dự án thoát khỏi bế tắc pháp lý mà còn ngăn ngừa được thất thoát tài sản nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý giúp cơ quản quản lý chuyên ngành đất đai, quy hoạch có cơ sở thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm của hàng ngàn dự án, giúp cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản" - ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Theo Kinh tế Chứng khoán