Tết Nguyên tiêu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết

DTVN 21:10 08/02/2020

Rằm tháng Giêng là ngày 15 tháng 1 âm lịch. Năm 2020, Rằm tháng Giêng rơi vào ngày 8/2 dương lịch. Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng vốn bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nguồn gốc của ngày Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng

Có nhiều câu chuyện truyền miệng kể về sự tích Tết Nguyên tiêu. Trong đó, chuyện kể về một con thiên nga trên thiên đình là giai thoại khá phổ biến và được nhiều người truyền tai.

Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Hồi đó, các cung nữ sau Tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ. Nhưng ngặt nỗi, cung vua canh phòng cẩn mật nên không thể ra ngoài.

Đông Phương Sóc - viên sủng thần của Hán Vũ Đế, vốn thông minh, khi nghe được tin này liền tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.

Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm, mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.

Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc. Thế là từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng và các cung nữ nhân ngày này đều có thể thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân.

Về sau, Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên tiêu cũng có ít nhiều sự biến đổi.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng (Ảnh minh họa)

Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên tiêu

Dù có nhiều sự tích khác nhau về nguồn gốc, song ở Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu đều mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình. Đây là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện rồi thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.

Ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu còn được coi là "Tết muộn" vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, là cơ hội để đoàn viên với gia đình nào không may có người thân bị ốm, đi vắng vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. "Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười). Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".

Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.

Năm nay Canh Tý 2020, Tết Nguyên tiêu là thứ 7 ngày 8 tháng 2 Dương lịch. Đây là ngày Tân Tỵ, ngũ hành Kim, ngày Hoàng đạo, thích hợp cho nhiều việc như đính hôn, cúng tế, cầu phúc, cầu tự, thăm hỏi người thân bạn bè, nhập học... nhưng cũng có nhiều điều kiêng kỵ.

Ảnh minh họa

Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào?

Thời gian cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là vào buổi sáng 8/2/2020 (tức ngày 15/1 âm lịch). Đối với các gia đình bận, có thể làm lễ cúng trước từ ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 7/2/2020). Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm mâm cỗ chay và mâm cỗ mặn, tùy vào điều kiện của gia đình, có thể sửa lễ cho phù hợp. Các gia đình không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy mà quan trọng nhất là thành tâm.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?

Ảnh minh họa

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình có thể sửa soạn sao cho phù hợp. Các gia đình không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy mà quan trọng nhất là thành tâm.

Mâm cỗ chay cúng Phật thường gồm các lễ vật như hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh không thêm nhiều hương liệu, đặc biệt có thêm bánh trôi nước với mong muốn mọi việc trong năm mới sẽ trôi chảy, thuận lợi.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên thường gồm các món ăn truyền thống, giống như món ăn ngày Tết Nguyên đán như bánh chưng, chả lụa, nem rán, thịt gà, món xào, canh măng. Ngoài ra còn có xôi gấc mang màu đỏ của sự may mắn.

Theo TBCK

Link gốc : https://tbck.vn/tet-nguyen-tieu-la-gi-nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-tet-59288.html

Bạn đang đọc bài viết Tết Nguyên tiêu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tin tức mới nhất