Giáng sinh là một dịp lễ lớn trong năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp, trao cho nhau những món quà và cùng thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Những bữa ăn ngày Giáng sinh rất đa dạng, tùy theo phong tục của mỗi một quốc gia. Qua đó, hãy cùng tìm hiểu xem bữa tối Giáng sinh ăn gì như các nước trên thế giới để có thêm gợi ý cho ngày lễ mùa đông này.
Gà tây
Gà tây là món ăn truyền thống trên bàn tiệc Giáng sinh của nhiều nước trên thế giới. Hình ảnh con gà tây béo ngậy trên bàn tiệc là thứ dễ dàng nhất để mường tượng về Giáng sinh trong tâm trí nhiều người.
Việc sử dụng gà tây cho lễ Giáng sinh bắt đầu từ những người dân Anh Quốc. Vào những dịp lễ trọng đại, người Anh thường ưa thích sử dụng các loài gia cầm, gia súc lớn để làm tiệc chiêu đãi các thành viên trong gia đình. Thực chất, gà tây không phải là lựa chọn đầu tiên trong bữa ăn chính Lễ Tạ ơn và Giáng sinh mà chính là ngỗng.
|
(Ảnh: Good Houskeeping) |
Trước năm 1620, người Anh không hề biết tới sự tồn tại của giống gia cầm này. Đến khi những đoàn di dân từ Anh sang Mỹ, họ mới biết đến gà tây. Nhà thám hiểm Sebastian Cabot được cho là người đã đem gà Tây về nước Anh. Cũng có người nói rằng: một nhà buôn tên là William Strickland là người mang gà tây về Anh, ông đã nhập khẩu 6 chú gà tây đến Anh vào năm 1526 từ nước Mỹ. Tuy khí hậu ở Anh không thích hợp với loại gia cầm này nhưng với những yếu tố như đã nói ở trên, gà Tây bắt đầu trở thành món ăn phổ biến của người Anh kể từ thế kỷ 16.
Feast of the Seven Fishes
Còn ở nước Ý, hầu hết các gia đình đều kiêng ăn thịt vào bữa tối và đêm Giáng sinh. Thay vào đó, mọi người sẽ cùng thưởng thức bữa tiệc có tên gọi là "Feast of the Seven Fishes" gồm các món ăn được chế biến từ 7 loại cá khác nhau. Những món ăn như mì ống, xúc xích làm từ ruột heo sẽ được người dân Ý dùng vào ngày hôm sau.
|
Khoai tây luộc và cá lên men
Tuần lộc nướng gợi nhắc đến câu chuyện chú tuần lộc Rudolph mũi đỏ của ông già Noel, là món ăn không thể thiếu trong bữa tối Giáng sinh của người Iceland. Ngày cuối cùng trước khi Giáng sinh đến, người dân Iceland sẽ chỉ được ăn khoai tây luộc và cá lên men. Họ thường chọn ăn chúng tại các nhà hàng để không phải đón Giáng sinh trong ngôi nhà bị ám đầy mùi cá.
|
Bánh khúc cây
Nói đến Giáng sinh thì chúng ta không thể quên món bánh khúc cây đặc biệt chỉ dành riêng cho dịp lễ đầy sắc màu này. Bánh có nguồn gốc từ Pháp còn được gọi là Bûche de Noël, Yule Log hay Christmas Log có ý nghĩa “khúc cây Giáng sinh”.
|
Theo truyền thuyết, trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời, để thể hiện sự sùng bái thần linh. Nếu thân cây cháy hết trước lúc kết thúc lễ hội thì đó là báo hiệu một điềm chẳng lành cho cả năm.
Cũng có ý kiến cho rằng, theo tục lệ vào đêm trước Noel, người phương Tây thường vào rừng chặt một khúc cây lớn và đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được đặt trên lò sưởi, rắc thêm ít dầu, muối, rượu nóng và mọi người bắt đầu nghi thức cầu nguyện. Tương truyền, tiếng lửa kêu tách tách và than từ khúc cây đã cháy sẽ bảo vệ ngôi nhà khỏi sấm sét và sự xâm nhập của ma quỷ.
Người ta cho rằng chiếc bánh khúc cây ra đời khoảng năm 1875 khi một người thợ làm bánh người Pháp có sáng kiến làm chiếc bánh ngọt hình khúc cây cho đêm Giáng sinh thay cho… khúc gỗ thật. Và để làm chiếc bánh thêm sinh động, người ta đã phủ lên đó những món trang trí thêm như cây thông, ông già Noel, thảm cỏ, người tuyết… khiến bạn liên tưởng đến một khu rừng đầy sắc màu. Lại có người cho rằng, công thức bánh khúc cây đầu tiên có lẽ là của tác giả Joseph Fabre vào năm 1905 trong cuốn Từ điển thực hành nấu nướng (Dictionnaire universel de cuisine pratique).
Kẹo que vị bạc hà
Những chiếc kẹo hình gậy với những đường xoắn màu đỏ, hay xanh lá cây rất hấp dẫn.
|
Cách đây rất lâu, kẹo que thẳng và chỉ có màu trắng, nhưng vào khoảng năm 1670, trưởng đội hợp xướng Cologne Cathedral đã thử làm một chiếc kẹo hình gậy, ông mang tặng cho những người chăn cừu và ca sĩ của mình. Vào thế kỷ thứ XIX, người ta thêm những vằn đỏ và vị bạc hà vào kẹo.
Thực ra cũng còn nhiều câu chuyện xung quanh hình dáng cây kẹo. Có vẻ thật nhất là màu trắng thể hiện cho sự trong trắng và thánh thiện của Chúa Jesus, và có một sọc đậm tượng trưng cho máu của Chúa. Bạn sẽ thấy rằng khi lật ngược cây gậy theo bản chữ cái tiếng Anh, cây kẹo bạc hà sẽ có hình chữ J, chữ cái đầu tên của Chúa Jesus.
Giờ đây, chiếc kẹo hình cây ba-toong với những vằn trắng, đỏ rất ngon và vui mắt này đã trở thành món hấp dẫn đối với trẻ em trong mỗi dịp Giáng sinh.
Bánh mì gừng
Từ lâu, người Châu Âu đã làm những chiếc bánh gừng nho nhỏ với biểu tượng Mặt Trời để mừng ngày Đông Chí. Ngày ấy, chiếc bánh chỉ đuợc làm bằng gừng, đường, vụn bánh mỳ, quả hạnh và trái cây…
|
Đến thế kỉ 16, người Anh thay vụn bánh mỳ bằng bột, thêm trứng, thêm vị ngọt… và chiếc bánh gừng được mọi người yêu thích hơn cho đến tận ngày nay. Trước đây, bánh gừng có rất nhiều hình dạng khác nhau. Chiếc bánh gừng hình người đầu tiên được cho là do nữ hoàng Elizabeth I khởi xướng, bà đã tặng cho các khách mời của mình những chiếc bánh gừng có hình giống như họ.
Ngày nay, Đức là quốc gia chuộng bánh gừng nhất thế giới. Chính các nghệ nhân người Đức đã phát triển thêm nhiều cách trang trí bánh gừng, như ý tưởng xây nhà bánh gừng. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ câu chuyện của anh em nhà Grimm về Hansel và Gretel. Cho đến nay, trên khắp thế giới, đã có rất nhiều cuộc thi làm nhà bánh gừng to nhất, đẹp nhất được tổ chức.
Nuremberg, Đức là nơi làm bánh gừng nổi tiếng nhất. Chiếc bánh gừng Lebkuchen được làm công phu với lớp phủ vàng, kem lạnh. Ngày nay, bánh gừng Lebkuchen vẫn còn được bán tại Nuremberg. Nó được xem là loại bánh gừng nổi tiếng nhất thế giới.
Bánh pudding
Bữa tiệc Giáng Sinh sẽ không còn ngon nếu thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay đã không còn giống trước đây. Vào khoảng thế kỷ 15, pudding được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.
|
Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ 16, các loại rau và thịt dần được thay thế. Đến thế kỷ thứ 19 thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn được phần bánh này sẽ gặp may mắn cả năm.
Minh Phương (TH)/Sở hữu Trí tuệ