Sáng ngày mùng 2 Tết Tân Sửu, 4 viên chức là y bác sỹ thuộc Bệnh viện Phổi Hải Dương, Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ, Trung tâm y tế huyện Ninh Giang nhận được lệnh biệt phái lên tuyến đầu chống dịch điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 2 (Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương).
|
Nhân viên y tế luôn đề cao tinh thần chăm sóc người bệnh. |
Phạm Đức Kiên (25 tuổi) công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện phổi Hải Dương vội vã chia tay gia đình, chuẩn bị tư trang cá nhân cùng đồng nghiệp lên đường làm nhiệm vụ. Bố mẹ cậu cũng chỉ biết động viên con: Tết xum vầy tạm gác lại một bên con nhé! Bố mẹ chúc con và toàn thể y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Kiên chia sẻ: Lúc đó mình có giây phút xao xuyến vì biết lên tuyến đầu là đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy nhưng những ngày theo học ngành y, ra trường được công tác tại Khoa hồi sức cấp cứu bênh viện phổi Hải Dương đã tiếp thêm cho mình động lực. Được gia đình bạn bè động viên nên mình thêm vững tin lên đường làm nhiệm vụ.
|
Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương chẳng phải đâu xa chỉ cách nhà 2 cây số, nhưng lần đi làm nhiệm vụ này Kiên vẫn thấy bồi hồi bởi đây là nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn tỉnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng của tỉnh được chuyển lên đây điều trị.
Ekip của Kiên cũng được tham gia vào việc cứu chữa trường hợp bệnh nhân nặng nhất đó là ông H., (60 tuổi). Theo hồ sơ bệnh án ông H. được chuyển tới từ Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn ngày 17/2. Khi nhập viện, người bệnh đã suy hô hấp rất nặng, thở nhanh, oxy trong máu xuống vô cùng thấp, chỉ còn 70% (ở người bình thường, chỉ số này khoảng hơn 95%).
Đến nửa đêm, ông H. đột ngột tăng khó thở, lơ mơ dần, kíp trực thiết lập cấp cứu khẩn cấp. Bác sĩ chỉ định thay quả lọc, liên tục bóp bóng cung cấp oxy, người tiêm thuốc an thần, giãn cơ để chuẩn bị đặt ống nội khí quản. Không khí căng thẳng tột độ vì đây là trường hợp đầu tiên phải thở máy xâm nhập. Ngay sau đó, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai có mặt để hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân. Trường hợp này được Bộ Y tế đánh giá nguy kịch, đã tính đến phương án can thiệp ECMO nếu diễn tiến tiếp tục xấu.
Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các y bác sỹ, bệnh nhân H. đã dần hồi phục, tiến triển tốt. Những ngày có ca bệnh trở nặng là khoảng thời gian vất vả nhất của đội ngũ y bác sĩ. Khi ấy, họ phải theo dõi sát bệnh nhân từng phút. Trong lúc người này làm thủ thuật hoặc chăm sóc bệnh nhân, người kia sẽ đi lại liên tục để không bỏ sót từng diễn biến.
|
Các y bác sỹ trẻ tại Bệnh viện Dã chiến số 2. |
Trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc không khí tưng bừng đón xuân trên cả nước thì âm thanh quen thuộc vang lên qua bộ đàm của đội ngũ y bác sỹ tại đây là: Alo! Hồi sức gọi xét nghiệm; Hành chính gọi B3; Hành chính gọi Đặng Thùy Trâm…
Kiên chia sẻ: Đó là những ngày hồi hộp, đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình, có những ngày đón cả chục ca vào viện, rồi tất cả anh chị em thở phào khi bệnh nhân nặng nhất đã ổn định. Niềm vui lớn nhất là khi chứng kiến những bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện về với gia đình.
Thế nhưng nói về mình Bác sỹ trẻ Phạm Đức Kiên luôn khiêm tốn: Mỗi bệnh nhân khỏi bệnh là niềm vui và an ủi lớn nhất của đội ngũ y bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 2, với những người hoạt động trong nghành y như bọn mình, khi đất nước xảy ra dịch bệnh thì đó là mệnh lệnh, trách nhiệm của những người chiến sỹ áo trắng và là cũng là niềm tự hào khi Hải Dương nói riêng, cả nước ta nói chung chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống của người dân trở lại yên bình.
Qua câu chuyện được biết Phạm Đức Kiên, sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, dù bố mẹ không làm trong ngành y nhưng ngay từ còn nhỏ Kiên đã mơ ước lớn lên được khoác lên mình tấm áo Blu trắng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 12 năm là học sinh giỏi, trường chuyên Nguyễn Trãi, Tp Hải Dương. Kiên đăng ký thi và trúng tuyển vào Đại học Y dược Hải phòng chuyên ngành bác sỹ đa khoa. Tốt nghiệp ra trường Kiên được nhận vào công tác tại bệnh viện Phổi Hải Dương (8/2020).
|
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đến động viên y bác sỹ tại Bệnh viện Dã chiến số 2. |
Ông Nguyễn Đình Dũng – Trưởng Khoa Nội tổng hợp bệnh viện trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, cũng là người trực tiếp, quản lý chỉ đạo Phạm Đức Kiên tại bệnh viện dã chiến số 2 chống Covid -19 cho biết: Trong đợt tăng cường y bác sỹ tới bệnh viện dã chiến số 2, có bác sỹ trẻ Phạm Đức Kiên (công tác tại bệnh viện Phổi Hải Dương) cũng như những bạn trẻ khác khi nhận được sự điều động của lãnh đạo bệnh viện, Sở y tế các bạn ấy sẵn sàng vào cuộc ngay. Khi vào việc thì bản thân các bạn cũng chịu khó, tự chủ động để tiếp cận làm quen với cơ sở mình sẽ làm việc. Về kiến thức chuyên môn cũng phải tích cực chủ dộng để học hỏi từ các anh chị đi trước, từ các chuyên gia tuyến trên để làm tốt nhiệm vụ của mình. Mặc dù trẻ nhưng cũng được tín nhiệm là đầu mối của một ekip, Kiên cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ là một trong những đầu mối trong nhóm chăm sóc bệnh nhân Covid -19 nặng ở bệnh viện dã chiến số 2.
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2021), sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa tươi thắm chúc mừng các thầy thuốc, nhân viên y tế và sinh viên các trường y, dược đang trực tiếp có mặt trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Hải Dương.
Anh Bùi (theo SHTT/TH)