Được biết, theo quy định của Bộ Y tế, quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện cần được thực hiện rất chặt chẽ theo từng bước, cụ thể khi bệnh nhân đến khám cần phải mua phiếu và lấy số vào khám; sau khi được thăm khám bác sĩ xong nếu phải làm thêm các xét nghiệm, hay chiếu chụp thì có phiếu yêu cầu bệnh nhân đi đóng tiền tại phòng tài vụ và làm theo những chỉ định nhân viên y tế yêu cầu. Khi có kết quả bệnh nhân cầm về phòng khám ban đầu để bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng và lên đơn thuốc.
|
Nhân viên y tế thu tiền trực tiếp của bệnh nhân tại phòng mà không có bất cứ loại phiếu thu nào và gọi tiền đó là tiền làm dịch vụ |
Nhưng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương lại có một điều “kỳ lạ”, khi bệnh nhân có kết quả quay về phòng khám ban đầu lại được nhân viên y tế yêu cầu làm những chỉ định thực hiện các dịch vụ khác như trích, mổ, tiểu phẫu… Tuy nhiên, lúc này, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế giới thiệu sang phòng khác để thực hiện theo chỉ định đồng thời đóng tiền dịch vụ trực tiếp cho những nhân viên y tế tại phòng đó mà không có hóa đơn chứng từ hay thông qua phòng tài vụ như ban đầu.
Ở các trường hợp này, số tiền cần đóng sẽ giao động từ 300 nghìn đồng đến cả triệu tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của loại hình khám, chữa bệnh được thực hiện. Việc đáng nói ở đây là cảnh thu tiền diễn ra một cách công khai, như một hoạt động bình thường của các nhân viên y tế tại bệnh viện này.
Để làm rõ những thông tin phản ánh về việc khám chữa bệnh tại đây, PV Sở hữu Trí tuệ đã đến tận nơi khám bệnh nhằm xác minh sự việc trên. Theo ghi nhận của phóng viên, tiền được nhân viên y tế thu rất công khai và được gọi với cái tên rất “mỹ miều” là “tiền làm dịch vụ”.
Việc thu tiền khám chưa bệnh bình thường qua phòng tài chính không có gì đáng để nói nhưng tại một viện tuyến đầu về tai mũi họng, hàng ngày có cả nghìn bệnh nhân đến khám chữa bệnh mà thu tiền không qua phòng tài vụ thì là một việc đáng lo, liệu lãnh đạo bệnh viện có nắm bắt được vấn đề này? Bệnh viện quản lý số tiền đó ra sao?
Số tiền thu không đúng quy định, có dấu hiệu trục lợi, trái đạo đức nghề nghiệp nêu trên, ai là người được hưởng lợi? Lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã làm hết chức trách của mình hay chưa? Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện ở đâu khi để xảy ra những vấn đề có dấu hiệu sai phạm như trên? Phải chăng hệ thống quản lý của bệnh viện còn thiếu chặt chẽ nên mới xảy ra những sự việc kể trên?
Ngoài việc thu tiền trực tiếp như đã nêu ở trên, điều làm cho chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tìm hiểu thông tin tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hiện đang tồn tại rất nhiều khoản tiền dịch vụ “vô lý”. Điển hình có thể kể tới như: khi bệnh nhân thực hiện tiểu phẫu xong thì được các nhân viên y tế cho sang một phòng khác yêu cầu người nhà bệnh nhân đi mua đơn thuốc để về nhân viên y tế tiêm truyền. Mỗi lần tiêm truyền như vậy, bệnh nhân sẽ mất ít nhất 100 nghìn, và số tiền này cũng được thu trực tiếp không qua phòng tài chính.
Điều đó khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Không hiểu nhân viên y tế bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân theo hình thức ngoại trú hay hình thức gì? Những việc làm và yêu cầu đối với bênh nhân đã đúng chưa?
Và, khi nhân viên y tế bệnh viện ra đơn thuốc cho bệnh nhân có mẫu cụ thể nào không, hay chỉ là những tờ hóa đơn bị tẩy xóa, ngày tháng viết tự do? Liệu nhân viên y tế ở bệnh viện đã đủ năng lực để kê đơn thuốc cho bệnh nhân chưa? Bệnh nhân có nên đặt niềm tin để đến khám chữa bệnh tại đây?
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi sẽ đặt lịch làm việc với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng liên quan. Từ đó, cùng vào cuộc điều tra làm rõ những vấn đề có dấu hiệu sai phạm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của người khám bệnh đúng quy trình. Sở hữu Trí tuệ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.