Hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ trên 18 năm
Cụ thể, TP. Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh xuân, Hà Đông.
Theo đó, người dân có thể mang xe máy cũ đến các địa điểm trên để đo kiểm về khí thải. Nếu xe không bảo đảm điều kiện sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng/ trường hợp.
Thời gian dự kiến triển khai chương trình trong 3 tháng kể từ tháng 9 – 12/2020 với số lượng ước khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.
Ngoài ra, người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện: “Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải”.
|
Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân hồi đầu tháng 5/2020. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), TP Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 ngàn ôtô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Khí thải từ các phương tiện này bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí Cacbon oxit (CO), Hydrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo thời gian, ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.
Kết quả nghiên cứu về phát thải từng nguồn gây ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được công bố năm 2019 cho thấy, khí thải từ xe máy phát thải 29% Nox; 65,4% NMVOC; 90% khí CO và 37,7% bụi.
Theo nhiều chuyên gia việc không đạt tiêu chuẩn khí thải là do quá trình sử dụng phương tiện mô tô, xe máy, người dùng không chú ý, xe hỏng mới đi sửa. Vì vậy căn cứ tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành và định kỳ bảo dưỡng, người dân phải đi kiểm tra khí thải phương tiện để giảm ô nhiễm môi trường.
Việc giảm thiểu phương tiện xe máy cũ nát lưu thông trên đường không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí mà còn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Liệu có khả thi?
Tuy nhiên cần tính toán một cách hợp lý để đạt được hiệu quả cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với gia đình khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp, mức hỗ trợ kinh phí đổi xe. Đặc biệt với người nghèo mưu sinh, những chiếc xe máy cũ này là miếng cơm, manh áo của cả gia đình họ.
Trao đổi với KT&ĐT về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, mặc dù Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành đã yêu cầu đến thời điểm ngày 1/1/2018 chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy.
Thế nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa thực hiện được vì chưa ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy; về kiểm soát khí thải, nguồn thải, Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT triển khai nhưng cũng chưa thực hiện được.
Do vậy, việc Hiệp hội Xe máy Việt Nam đề xuất TP Hà Nội triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe máy là việc rất đáng hoan nghênh. Từ đó, có khuyến cáo cho người sử dụng kiểm tra và bảo dưỡng xe máy, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
“Tôi cho rằng, mục tiêu của chương trình là rất tốt, vì Chính phủ cũng đã có chủ trương nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Song, tôi băn khoăn về nội dung hỗ trợ kinh phí đổi xe máy cũ cho người có nhu cầu (từ 2 - 4 triệu đồng/người). Thực tế những người đi xe máy cũ, thậm chí rất cũ đa phần đều là người nghèo nên khả năng có điều kiện để nhận 2 triệu đồng hỗ trợ để đổi mua một xe máy với trị giá từ 20 triệu đồng là rất hiếm. Do đó, nếu chương trình không nghiên cứu thấu đáo, tổ chức thực hiện hợp lý sẽ vô tình làm méo mó mục tiêu cao cả là đo kiểm khí thải để kiểm soát khí thải, thay vào đó vô tình lại làm truyền thông miễn phí cho các DN sản xuất, bán xe máy” - TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương tiến hành thí điểm đo kiểm khí thải xe máy. Tuy nhiên, để thực hiện về nội dung hỗ trợ đổi xe máy cũ, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ và quan tâm đến đối tượng bị ảnh hưởng để chương trình có tính khả thi và hiệu ứng tốt, nhất là khi Hà Nội đang thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân, cải thiện chất lượng không khí.
Minh Phương (T/H)/SHTT