Việc chấm điểm nhà thầu có nhiều điểm bất thường?
Thời gian gần đây, dư luận đang tỏ ra hoài nghi về quy định mới trong hồ sơ mời thầu do Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đưa ra đối với các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021. Đặc biệt, quy định mới về việc chấm điểm nhà thầu, dư luận đang rất cần được giải đáp.
Nghiên cứu hồ sơ mời thầu, PV nhận thấy nhiều điểm bất hợp lý, cụ thể: tại Mục 2 (Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương III của HSMT có qui định: “Nhà thầu tham dự gói thầu phải đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu (bao gồm các nội dung về hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự). Về tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được qui định cụ thể trong Bảng Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm có 3 tiêu chí cụ thể: Lịch sử không hoàn thành hợp đồng; Năng lực về Tài chính; Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự’.
|
Cục DTNN đã ra văn bản 1972 ngày 30/12/2020 (Trước thời điểm mở thầu 1 tháng). Ảnh Thương hiệu và Pháp luật. |
Để đánh giá tiêu chí về Lịch sử không hoàn thành Hợp đồng và Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự thì Bên mời thầu căn cứ vào Tài liệu (Hợp đồng tương tự) của nhà thầu cung cấp trong Hồ sơ dự thầu (HSDT) để đánh giá đạt hoặc không đạt theo qui định của HSMT. Và trong HSMT cho phép nhà thầu cung cấp Hợp đồng tương tự đã thực hiện với các đối tác trong nước hoặc nước ngoài (không qui định chỉ cung cấp Hợp đồng đã ký với các Cục DTNN khu vực) để làm căn cứ đánh giá năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại nội dung số 5, Mục 3 (Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật), Chương III đánh giá (Uy tín nhà thầu cung cấp gạo trong thời gian 05 năm trở lại đây) lại chấm điểm và có qui định chỉ chấm điểm với các hợp đồng thực hiện với các cục DTNN khu vực, trong khi đó lại không qui định tài liệu để bên mời thầu làm căn cứ đánh giá HSDT của nhà thầu. Không qui định đánh giá uy tín của các nhà thầu có các hợp đồng tương tự đã thực hiện với các đối tác trong nước hoặc nước ngoài.
Đặc biệt, trong hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021, các Cục DTNN khu vực xây dựng thang điểm chấm về uy tín nhà thầu tại Bảng chấm điểm kỹ thuật thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trong 5 năm trở lại đây (2016 - 2020). Điểm tối đa đối với uy tín nhà thầu cung cấp gạo trong thời gian 5 năm trở lại đây là 150 điểm, nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các Cục DTNN khu vực nhưng không thực hiện một phần hoặc không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng từ 1 lần trở lên không đảm bảo chất lượng khiến các đơn vị từ chối nhập hàng thì chỉ được chấm 100 điểm đối với uy tín nhà thầu. Đối với nhà thầu liên danh, nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh có các hành vi nêu trên thì nhà thầu liên danh được đánh giá theo thang điểm này.
Đối với nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh trúng thầu cung cấp gạo cho các Cục DTNN khu vực nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng thì mục uy tín nhà thầu chỉ được chấm 50 điểm. Điều này đang đang gây những thắc mắc lớn đối với các bên.
Qua theo dõi được biết một số Cục DTNN đang căn cứ vào điều 89 và điều 90 của Luật đấu thầu và văn bản số: 5347/BKHĐT-QLĐT ngày 17/8/2020 của Bộ Kế hoạch và đầu tư:
- Điều 89 và điều 90 của luật đấu thầu quy định các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm về đấu thầu cũng như tại điều 121 và điều 122 tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu lựa chọn nhà thầu đều không quy định nếu nhà thầu trúng thầu mà không đến thương thảo ký hợp đồng là hành vi vi phạm bị cấm và xử lý vi phạm trong đấu thầu.
- Việc căn cứ văn bản số 5347/BKHĐT-QLĐT ngày 17/8/2020 của Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Văn phòng chính phủ đã đề xuất với Bộ Tài chính về một số giải pháp đấu thầu mua gạo nhập kho DTQG có phải là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện trong đấu thầu mua bán hàng hóa không?
Dư luận đang tỏ ra nghi vẫn trước những điểm chưa đúng, làm bất lợi cho một số doanh nghiệp.
|
Việc qui định chấm điểm uy tín lấy các hợp đồng thực hiện với các Cục DTNN khu vực để đánh giá HSDT của nhà thầu; trong khi đó lại không qui định tài liệu làm căn cứ để đánh giá là chưa minh bạch? Bên mời thầu căn cứ vào đâu để đánh giá? việc căn cứ vào tài liệu không do nhà thầu cung cấp hoặc căn cứ vào các tài liệu không do chủ đầu tư (các Cục DTNN khu vực) phát hành có đúng với qui định của pháp luật về đấu thầu không?
Việc qui định lấy hợp đồng của các nhà thầu thực hiện với các Cục DTNN khu vực khác để đánh giá uy tín của các nhà thầu tham gia dự thầu tại các Cục có đúng với qui định của pháp luật về đấu thầu không? Các nhà thầu khác cũng có quá trình thực hiện hợp đồng với các đối tác trong nước, nước ngoài tương tự như các nhà thầu đang hợp tác với bên Cục DTNN thì lại không chấm điểm để đánh giá uy tín của các nhà thầu này là không công bằng, không bình đẳng trong đấu thầu? không phù hợp và không đúng với qui định Tại Mục 2 (Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương III của HSMT (cho phép tất cả các nhà thầu được cung cấp Hợp đồng tương tự đã thực hiện với các đối tác trong nước hoặc nước ngoài để chứng minh năng lực và kinh nghiệm của mình). Việc qui định không lấy các Hợp đồng của nhà thầu thực hiện với các đối tác trong nước, nước ngoài để chấm điểm thì điểm uy tín của các nhà thầu này được qui định ở đâu và được bao nhiêu điểm?
Nội dung qui định chấm điểm uy tín của nhà thầu như trong HSMT đã làm bất lợi cho các doanh nghiệp đã tham gia bán gạo cho các Cục DTNN khu vực và có yếu tố làm lợi cho một số nhà thầu mới tham gia đấu thầu bán gạo cho Cục DTNN khu vực là không bình đẳng? Đây thực chất không phải là lựa chọn nhà thầu có uy tín để mua gạo mà hạn chế và loại một số doanh nghiệp không cho trúng thầu?
Trúng thầu lại xù hợp đồng
Cụ thể, Cục DTNN khu vực Hà Bắc (Bắc Ninh) mở thầu rộng rãi mua 9.000 tấn gạo. Đơn giá 11.287,5 đồng/kg. So sánh đơn giá mời thầu vào ngày 12-5 với giá trúng thầu cách đây 2 tháng thì mỗi ký gạo Nhà nước phải chi thêm 1.470 đồng (nhà thầu từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo nên đã phải hủy). Như vậy ngân sách nhà nước phải tốn thêm hơn 13,2 tỉ đồng để mua 9.000 tấn gạo dự trữ ở Cục DTNN khu vực Hà Bắc.
|
Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ảnh internet. |
Tương tự, Cục DTNN khu vực Đông Bắc cũng mua 9.200 tấn gạo dự trữ năm nay, ngân sách sẽ tốn thêm hơn 10,5 tỉ đồng do giá gạo đã tăng, trong khi lần đấu giá trước, các doanh nghiệp trúng thầu từ chối ký hợp đồng do giá gạo đã tăng.
Ngoài ra hàng loạt cục DTNN cũng phải đấu giá mua lại gạo dự trữ, như khu vực Bắc Thái đấu thầu lại để mua 9.000 tấn gạo. Cục DTNN Hà Nội công bố đấu thầu 9.000 tấn gạo...
So với đơn giá bình quân khoảng 9.720 - 9.950 đồng/kg của đợt trước nhưng nhà thầu đã "xù" hợp đồng, đến thời điểm này mỗi ký gạo mà ngân sách phải chi thêm 1.100 - 1.470 đồng. Ước tính để mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia năm nay, ngân sách sẽ phải tốn thêm khoảng 200 tỉ đồng, gấp 7 lần so với 27,8 tỉ đồng mà 22 cục DTNN tịch thu tiền bảo lãnh dự thầu của 26 nhà thầu hủy hợp đồng.
Ngày 12/5/2020, tại buổi đấu giá do Cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực Hà Nội tổ chức để mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia khu vực Hà Nội, cơ quan này đã nhận được 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia.
Trong số 10 nhà thầu tham dự, có những doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 (đấu giá ngày 12-3) nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo như Công ty TNHH thương mại Chương Tho, Công ty CP thương mại Minh Khai và Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam. Dự kiến cơ quan này phải đảm bảo mua đủ 9.000 tấn gạo nhập kho trước ngày 30-6.
Trước thông tin nhà thầu tham gia đấu thầu lại lần hai khi đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có những biện pháp gì? Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong hồ sơ mời thầu, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã qui định. |
Theo Minh Anh (t/h)/Sở Hữu Trí Tuệ