Trước tình hình dịch COVID-19 tại nước ta, đặc biệt là TPHCM và một số tỉnh, thành đang diễn biến phức tạp, để bảo đảm nhu cầu thuốc phòng chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác, cũng như bảo đảm việc bình ổn giá thuốc và ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, nhằm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
|
Các Sở Y tế chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, đặc biệt với các thuốc khan hiếm nguồn cung, ít hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà được khuyến cáo sử dụng trong điều trị COVID-19.
Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố).
Đặc biệt, không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao. Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ.
Các Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh rà soát năng lực bảo quản, vận chuyển, tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, sẵn sàng tham gia khi được yêu cầu. Các bệnh viện trực thuộc Bộ triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để bảo đảm sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Quản lý Dược tại các công văn số 5742/QLD-KD ngày 21/5/2021 và công văn số 6063/QLD-KD ngày 28/5/2021 về việc bảo đảm nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, bảo đảm cung ứng thuốc theo các hợp đồng đã ký với các cơ sở khám chữa bệnh.
Đồng thời, bảo đảm việc tồn trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giữ ổn định hệ thống phân phối, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch được Bộ Y tế khuyến cáo và chính quyền địa phương yêu cầu thực hiện. Xây dựng các kịch bản cụ thể hóa biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh tại nhà máy, công sở, bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.
Đối với các đơn vị trong vùng dịch, có thể bị cách ly, giãn cách, cần thực hiện theo hướng dẫn biện pháp ứng phó tại các cơ sở kinh doanh dược trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Đối với các đơn vị có kho bảo quản lạnh 2-8 độ C hoặc âm sâu, cần rà soát năng lực bảo quản các sản phẩm lạnh (thuốc, vaccine, sinh phẩm) cần sắp xếp lại và dành dung tích tối đa có thể bảo quản vaccine phòng COVID-19 khi được yêu cầu.
Trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào của các thuốc hoặc giá thuốc nhập khẩu tăng, đề nghị công ty nghiên cứu xem xét giảm các chi phí không cần thiết khác như: Chí phí bán hàng, chi phí quản lý... để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai, kê khai lại và bán thuốc không cao hơn giá kê khai, kê khai lại; không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tăng giá bán.
Đối với trường hợp thuốc hiếm nguồn cung, Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên giải quyết nhanh về việc cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để kịp thời có thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh khi có đề nghị của các đơn vị.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa tổ chức họp triển khai Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của thành phố. Tại buổi họp, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã quyết định thành lập 1 Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý và 2 Đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế... trên địa bàn thành phố.
Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý và Đoàn kiểm tra liên ngành có các nhiệm vụ và quyền hạn như: Tổ chức phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo kiểm tra theo Kế hoạch đã được ban hành.
Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Trưởng Tiểu ban chỉ đạo phê duyệt các đề xuất kiểm tra của 2 đoàn kiểm tra liên ngành sau khi cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã rà soát.
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, Tiểu ban chỉ đạo sẽ có phiếu giao việc cho 2 đoàn kiểm tra đối với những địa điểm cần thiết phải kiểm tra.
Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam