Được biết, dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Dự thảo) đã tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của đại diện các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và cục hải quan các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đã nhận được những ý kiến phải hồi rất tích cực.
Theo Dự thảo, nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Các cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các phương thức kiểm tra được áp dụng thống nhất. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra do hệ thống tự động quyết định.
Dự thảo Nghị định có quy định chi tiết về 22 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đây là sự kế thừa đầy đủ các trường hợp miễn kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra đã phát sinh trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hải quan.
22 trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: (1) Hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế, trừ phương tiện; (2) Hàng hóa nhập khẩu trong định lượng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ, trừ phương tiện; (3) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; (4) Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan;
|
Dự thảo đề xuất 22 đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa |
(5) Hàng hóa là mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất có số lượng phù hợp với hồ sơ, tài liệu nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân; mẫu hàng để thử nghiệm phục vụ giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng; (6) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác;
(7) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc của người nhập cảnh trong thời hạn nhất định; (8) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay neo đậu tại cảng Việt Nam để xuất cảnh; (9) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế; (10) Phương tiện chứa hàng quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
(11) Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế; (12) Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế; (13) Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; (14) Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công xuất khẩu, sản phẩm sản xuất xuất khẩu; (15) Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
(16) Hàng hóa đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhưng bị tái nhập trả lại; (17) Hàng hóa mua bán giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với thương nhân khác tại Việt Nam; (18) Hàng hóa là bộ phận để thay thế, sửa chữa dây chuyền thiết bị đồng bộ của tổ chức, cá nhân; hàng hóa là vật tư, linh kiện nhập khẩu để bảo hành, sửa chữa, thay thế cho một đơn vị sản phẩm hoàn chỉnh;
(19) Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; thực phẩm có chứa phụ gia mới; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm; (20) Thực phẩm, nguyên liệu sản xuất thực phẩm nhập khẩu chỉ dùng để phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước; (21) Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định pháp luật; (22) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo văn bản cho phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định cũng mở rộng áp dụng các phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm trong kiểm tra chất lượng. Việc xác định phương thức kiểm tra cũng được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo. Đồng thời, tại dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa đã nhập khẩu trước đó để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo...
Dự thảo Nghị định đã cắt giảm nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm như: giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng; bỏ quy định nộp Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list) đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt của an toàn thực phẩm; đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm thì chỉ những lô hàng phải kiểm tra mới phải nộp hồ sơ (thay vì như hiện nay là lô hàng nào cũng phải nộp đủ hồ sơ). Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện.
Theo Chất lượng Việt Nam Online