Đề xuất nêu trên được ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại Phiên toàn thể, Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Theo ông Dũng, hạ tầng viễn thông là nền tảng cho chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng nền kinh tế số, xã hội thông minh, con người cần phải tạo ra hàng trăm triệu kết nối vạn vật, kết nối dữ liệu siêu lớn, phát triển các siêu ứng dụng số.
|
Song mục tiêu trên đặt ra yêu cầu phải có một hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao. Lúc này, hạ tầng viễn thông cần được xây dựng đi trước một bước, tức là ngay thời điểm hiện tại phải có mọi điều kiện pháp lý xây dựng mạng 4G và 5G như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động.
"Việc cấp phép kịp thời là quan trọng nhất và với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, không đặt quá nặng vào việc thu ngân sách hay phân vân quá việc cân đối giữa các doanh nghiệp. Nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào mạnh, đầy đủ nguồn lực thì đi trước doanh nghiệp mới đi sau một chút", ông Lê Đăng Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, những hạ tầng quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc giavề dân cư, tài nguyên quốc gia, doanh nghiệp... đang triển khai chậm. Do vậy, cần nhanh chóng có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp có năng lực tài chính, con người và công nghệ thực hiện vào lĩnh vực này.
“Để tránh đầu tư lãng phí, Bộ TTTT có thể đóng vai trò giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư vào những công nghệ tiên tiến nhất như mạng 4G, mạng 5G, ảo hoá, cloud”, ông Lê Đăng Dũng đề xuất.
Chia sẻ thêm về vấn đề tạo cơ chế để đầu tư mạo hiểm, ông Lê Đăng Dũng cho rằng, Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị có đề cập tạo cơ chế để doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạo hiểm. “
Do vậy, chúng tôi mong muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với một loạt thủ tục phức tạp như lâu nay", ông Dũng đặt vấn đề.
Trao đổi về Nghị quyết số 52-NQ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết: "Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã chỉ ra vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với CMC, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào hạ tầng nền tảng số để đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực".
Trên cơ sở đó, CMC đã tiên phong xây dựng nền tảng số C.OPEN cho các doanh nghiệp và tổ chức đồng thời đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Các doanh nghiệp của CMC đã thành lập liên minh chuyển đổi số, liên minh phòng chống mã độc và tập hợp các nguồn lực xã hội cho việc chuyển đổi số, kể cả đào tạo nguồn nhân lực.
“CMC cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong các chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, thành phố thông minh, chủ động tham gia vào Các mạng công nghiệp 4.0 với tầm nhìn xây dựng Việt Nam thành quốc gia hùng cường năm 2045”, ông Nguyễn Trung Chính cho biết.