Trao đổi về vấn đề đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, (Bộ KH&ĐT) cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế là công việc thường kỳ của các cơ quan thống kê của mọi quốc gia trên thế giới.
|
Đối với Việt Nam, đợt đánh giá lần này không phải là lần đầu cơ quan thống kê thực hiện. Trước đó, năm 2013, Tổng cục Thống kê cũng đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng 9%. Tuy nhiên, ở kỳ đánh giá đó, Tổng cục Thống kê chỉ đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản.
Ở kỳ đánh giá lại quy mô GDP lần này, Tổng cục Thống kê sẽ "quét" hết tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực, chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin. Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 đã tăng thêm 25,4% so với số liệu đã được công bố trước đó.
Phân tích về lý do quan trọng phải đánh giá lại quy mô, ông Lâm cho rằng việc làm này sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đưa ra các quyết định quan trọng.
Đối với Quốc hội, số liệu GDP mới sẽ giúp cơ quan này đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế, tài chính quốc gia hàng năm, bao gồm các chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách, giới hạn nợ công... Trong khi đó, trên cơ sở số liệu GDP mới, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các quyết định chính sách về lãi suất, đầu tư và thương mại... phù hợp hơn.
Còn với doanh nghiệp thì qua đó có thể đưa ra các dự báo về nhu cầu sản phẩm để từ đó quyết định đầu tư và sản xuất. Việc đánh giá lại quy mô GDP cũng sẽ giúp các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm quốc gia...
Cùng với đó, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc tính toán lại quy mô GDP vừa qua đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, người dân và doanh nghiệp… Vì thế, việc tính toán này cần phải được nhìn nhận một cách cụ thể, từ góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan để có những ý kiến xác đáng, giúp ích cho phát triển kinh tế vĩ mô. Bởi GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, hoạt động sản xuất phát triển đa dạng… nên việc theo dõi, thu thập và cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng số liệu thống kê. Vì thế, việc đánh giá lại quy mô GDP là điều cần thiết.
Theo VietQ