Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 70%
Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, VSF) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2/2020 với mức lỗ gần 44 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ của cùng kỳ 2019 là 68 tỷ đồng.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 70%
Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, VSF) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2/2020 với mức lỗ gần 44 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ của cùng kỳ 2019 là 68 tỷ đồng.
Tính đến hết 6 tháng năm 2020, Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 2.188 tỷ đồng; trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng cho các khoản đầu tư cũng như nợ xấu.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần của Vinafood 2 xấp xỉ cùng kỳ với 5.3496 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng mạnh lên 5.315 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 181 tỷ đồng, giảm tới 70%.
|
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng chiếm lần lượt là 204 tỷ đồng và 90 tỷ đồng, cộng thêm mức lỗ 21 tỷ đồng từ hoạt động khác đã khiến Vinafood 2 lỗ ròng tới 160,5 tỷ đồng, cao hơn 2,8 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Vinafood 2 tăng thêm 397 tỷ đồng lên mức 5.868 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho cũng tăng mạnh 83% lên mức 1.332 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn của Tổng công ty giảm đáng kể, từ 529 tỷ của đầu kỳ xuống còn 350 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn phải trích lập dự phòng tới 1.331 tỷ đồng.
Nợ xấu hơn nghìn tỷ đồng
Ngoài ra, Vinafood 2 còn ghi nhận tới 1.350 tỷ đồng nợ xấu và đã phải trích lập gần như hoàn toàn với 1.331 tỷ đồng.
Đầu tư vào công ty con và liên doanh liên kết tới 834 tỷ đồng, nhưng phải dự phòng 402 tỷ đồng.Trong đó, khoản trích lập dự phòng lớn nhất là tại CTCP Lương thực TP.HCM (88 tỷ đồng), CTCP Lương thực Cambodia (57 tỷ đồng), CTCP Tô Châu (65 tỷ đồng), CTCP Bột mì Bình An (24 tỷ đồng), CTCP Lương thực Hậu Giang (29 tỷ đồng), CTCP XNK Nông sản Thực phẩm Cà Mau (41 tỷ đồng), CTCP Sài Gòn Lương Thực (33 tỷ đồng)..
Khó khăn từ chính sách xuất nhập khẩu gạo, năng lực lãnh đạo là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ
Theo lý giải của Vinafood 2, nguyên nhân thua lỗ do chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hoá thương mại, gia tăng rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt. Việc tạm ngưng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên phạm vi toàn cầu đã dẫn đến giảm sản lượng bán.
Nhìn vào lịch sử của Vinafood 2, có thể thấy các khoản lỗ tập trung ở các khoản đầu tư ngoài ngành nhưng năng lực lãnh đạo điều hành còn hạn chế khiến thua lỗ kéo dài. Hiện tại, các khoản đầu tư này đã được cơ cấu lại nhưng cần phải có thời gian để khắc phục.
Cùng với đó, Vinafood 2 cần phải xác định tập trung vào năng lực cốt lõi của mình là xuất khẩu gạo. Diễn biến liên tiếp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh COVID-19 vừa là thách thức nhưng lại chính là cơ hội lớn cho một doanh nghiệp cung ứng mặt hàng thiết yếu lâu đời như Vinafood 2.
Theo một chuyên gia, điểm quan trọng không kém, thời điểm hiện nay đã khác với bộ máy nhân sự mới và đang được trẻ hóa, Vinafood 2 cũng cần phải biết tận dụng tổng thể những thế mạnh mà mình đang có bắt kịp thời cuộc, mở rộng lĩnh vực, để có thể tối ưu được nguồn lực, vật lực, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ nhân viên. Kinh doanh bất động sản, xăng dầu, bán lẻ…. cũng không phải ngoại lệ, miễn là đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và chứng minh được hiệu quả. Có như vậy, Vinafood 2 mới khiến các cổ đông, nhà đầu tư bớt “phát sốt” vì mình, dần ‘thoát lỗ” và chứng minh được vai trò ‘anh cả’, một thương hiệu lớn quốc gia.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ
Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vinafood-2-tiep-tuc-thua-lo-cao-hon-28-lan-cung-ky-nang-lo-luy-ke-len-2188-ty-dong-d82194.html