Vì sao NĐT không còn mặn mà với cổ phiếu của Vietravel như kỳ vọng trước đó?

Mai Hương 16:14 22/11/2019

Sau 4 phiên đẩy giá lên một gấp đôi, cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) bắt đầu chuỗi ngày lao dốc.

Ngày 27/9/2019, 12,6 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) chào sàn UPCoM, với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VTR: Tăng sốc, giảm sâu

Theo Trí Thức Trẻ, ngay phiên giao dịch đầu tiên, chỉ với 3 lệnh bán ra với khối lượng nhỏ giọt 1.300 cổ phiếu đối ứng với 120 lệnh chất mua với tổng khối lượng 74 ngàn cổ phiếu đã giúp VTR tăng kịch biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên tại UPCoM là ±40%, lên 56.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VTR chính thức được niêm yết trên UpCOM ngày 27/9/2019. Ảnh: IT.

2 phiên sau đó, tình trạng tiết cung vẫn xảy ra và VTR tiếp tục phi lên ngưỡng 74.000 đồng/cổ phiếu. Phiên thứ 4 chào sàn và cũng là phiên cổ phiếu VTR đã đạt giá trị hơn gấp đôi giá tham chiếu chào sàn, lên ngưỡng 84.000 đồng/cp thì lệnh bán bắt đầu tung ra.

Tuy nhiên, chuỗi ngày lao dốc xuất hiện sau đó, đến ngày 22/10, giá cổ phiếu VTR sụt giảm còn 51.000 đồng/cổ phiếu và xu hướng chung từ đó đến nay là giảm dần đều, đóng cửa phiên giao dịch 20/11 ở mức 45.100 đồng/cổ phiếu.

Cuối ngày 30/10, trên website của Vietravel đăng tải báo cáo tài chính quý III/2019, với kết quả lợi nhuận tăng trưởng, nhưng yếu tố này không giúp giá cổ phiếu phục hồi, theo tinnhanhchungkhoan.

Đại diện công bố thông tin của Vietravel chia sẻ, giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, ngoài tầm kiểm soát của Công ty.

Vì sao NĐT không mặn mà với VTR?

Báo cáo tài chính hợp nhất mà công ty đã công bố, trong quý III/2019, Vietravel lãi sau thuế 24,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 18,1 tỷ đồng, vì sao giá cổ phiếu vẫn giảm dù “chiếc bánh thị phần” ngành hàng không (Vietravel Airlines) mà doanh nghiệp này quảng cáo trước đó cực kỳ hấp dẫn…?

Vì sao cổ phiếu VTR không hấp dẫn như kỳ vọng của giới đầu tư dự đoán trước đó, bằng chứng là chuỗi giảm nhanh, thanh khoản yếu không kém gì lúc tăng nóng của VTR?

Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư cho biết, họ quan ngại về áp lực trả nợ và lãi vay của Vietravel, trong khi lĩnh vực hàng không mà Công ty đang theo đuổi có mức độ cạnh tranh cao.

Tuy thị trường hàng không còn nhiều tiềm năng, nhưng việc Vietravel theo đuổi tham vọng tham gia thị trường bằng cách lập Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines và có kế hoạch khai thác vào cuối quý II, đầu quý III/2020, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt là điều khiến nhà đầu tư thận trọng.

Trên thực tế, từng có hãng hàng không “gãy cánh” khi cố chen chân vào thị trường này.

Ngoài ra, quy mô của Vietravel nhỏ, vốn điều lệ 126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thời điểm cuối tháng 9/2019 là 254,1 tỷ đồng, áp lực nguồn vốn để theo đuổi lĩnh vực hàng không là rất lớn.

Trong khi đó, riêng khoản phải trả lãi trái phiếu (700 tỷ đồng) trong năm đầu tiên (tháng 9/2019 - 9/2020) là gần 65 tỷ đồng, lớn hơn lợi nhuận đạt được năm 2018 (58 tỷ đồng).

Vietravel hiện đang kinh doanh du lịch lữ hành nội địa và Quốc tế, xuất khẩu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề lao động, tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện…Ngay trước giai đoạn chuẩn bị lên sàn, Vietravel đã thể hiện rõ tham vọng lấn sân hàng không với dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Có lẽ, chính bởi thông tin Vietravel Airlines được cấp giấy chứng nhận kinh doanh với số vốn ban đầu là 300 tỷ và kỳ vọng có thể bay sau 18 tháng tới đã khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng cao vào Vietravel.

Những nhà đầu tư cũ đã không sẵn sàng "nhả" cổ phiếu Vietravel chốt lãi dù cổ phiếu đã tăng trần 4 phiên, định giá hơn gấp đôi giá chào sàn. Bởi vậy, việc mới lên sàn và cổ đông cũ kỳ vọng cao, không bán ra cổ phiếu nên không có lối cho nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào chính là một trong những nguyên nhân khiến tính thanh khoản yếu kém.

Được biết, Vietravel vừa chốt phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, thời hạn 2 năm. Tức, mỗi năm, riêng phần lãi suất phải trả đã khoảng 77 tỷ đồng.

Nếu hoạt động kinh doanh không bứt phá ra khỏi ngưỡng hiện tại tức lợi nhuận hàng năm vẫn loanh quanh dưới 60 tỷ đồng thì việc Vietravel có thể sẽ báo lỗ thời gian tới là có thể tính đến.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//vi-sao-ndt-khong-con-man-ma-voi-co-phieu-cua-vietravel-nhu-ky-vong-truoc-do-d65629.htm

Bạn đang đọc bài viết Vì sao NĐT không còn mặn mà với cổ phiếu của Vietravel như kỳ vọng trước đó? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất