Kết quả hoạt động kinh doanh chính không mấy khả quan
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (Mã CK: VEA) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần 1.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, giá vốn hàng bán quý 3 lên tới 1.116 tỷ đồng khiến VEAM lỗ gộp gần 5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty ghi nhận khoản lãi gộp lên tới 120 tỷ đồng.
|
Doanh thu tài chính (chủ yếu lãi tiền gửi ngân hàng) trong kỳ của VEAM đạt 254 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. VEAM hiện có gần 15.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương gửi ngân hàng, chiếm gần một nửa tổng tài sản công ty.
Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM nhiều thiếu sót
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Tháng 8/2019 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc; và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Lãi ròng hơn 5.150 tỉ đồng từ cổ tức các liên doanh
Lợi nhuận của Veam như thường lệ đến từ lãi trong liên doanh, liên kết 1.555 tỉ đồng và lãi tiền gửi 254 tỉ đồng, gấp 2,3 lần năm ngoái. Kết quả công ty lãi ròng 1.733 tỉ đồng, phần lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ 1.727 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần chỉ đạt 3.353 tỉ đồng, nhưng Veam báo lãi ròng tới 5.152 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kì. Điểm đặc biệt của công ty này là lợi nhuận ròng cao gấp rưỡi so với doanh thu.
Công ty vẫn cho thấy sự sung túc của mình nhờ dòng cổ tức thu về từ các liên doanh sản xuất ô tô như Honda, Toyota và Ford; tổng số tiền thu được 5.324 tỉ đồng, tăng 8,5% so với năm ngoái.
|
Veam hiện nắm trong tay 30% Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam; đây đều là các doanh nghiệp kinh doanh rất thành công trong năm 2019.
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô của Toyota trong 3 quí đầu năm đạt gần 15.800 chiếc, tăng 39%; doanh số của Ford đạt 8.684 chiếc, tăng 59% và doanh số bán xe Honda đạt 6.413 chiếc, tăng 36%.
Sự bùng nổ của các nhà sản xuất ô tô ngoại chủ yếu đến từ xe nhập khẩu, doanh số bán ô tô nhập ngoại trong nước tăng 150% so với cùng kì, trong khi xe lắp ráp nội địa giảm 13%.
Đối với xe máy, Honda vẫn duy trì được doanh số bán hàng tương đương mức cùng kì năm ngoái. Giai đoạn nửa đầu năm tài chính 2020 (từ 1/4/2019 đến 30/9/2019), công ty bán 1,28 triệu chiếc ra thị trường, tăng 1%.
Nhận về lượng cổ tức "khủng" khiến cho lượng tiền mặt cuối kì của Veam hết sức dồi dào. Công ty sở hữu 14.935 tỉ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chưa kể 4.677 tỉ đồng phải thu tiền cổ tức và lãi hỗ trợ vốn…
Tổng giá trị tài sản của Veam tại thời điểm 30/9/2019 là 31.044 tỉ đồng, trong khi nợ phải trả chiếm tỷ trọng không đáng kể hơn 1.200 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết quí III năm nay của Veam lên tới 16.362 tỉ đồng.