Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%. Thế nhưng, nhiều năm qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc. SCIC đã đầu tư gần 200 tỷ vào dự án này.
Còn theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án. Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.
|
Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Hơn 7 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.
Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn.
Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, có ý kiến chính thức về việc miễn giảm 50% tiền thuê đất cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt năm 2012; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/4/2018. Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cục thuế TP Hà Nội thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt theo đúng quy định của pháp luật.
Tháng 4/2017, Tổng gám đốc Tập đoàn Bảo Việt có Quyết định số 625/2017/QĐ- TĐBV về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng – trụ sở Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt Insurance) tại số 7 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau khi thành lập các ban để thực hiện dự án trên thông qua đấu thầu lựa chọn nhà thầu, ngày 4/4/2019 ông Nguyễn Xuân Việt, Tổng giám đốc Bảo Việt Insurance ký quyết định số 1919/QĐ-BHBV lựa chọn Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây lắp Thăng Long (Công ty Thăng Long) là đơn vị trúng thầu gói thầu: kết cấu phần thân và kiến trúc. Giá trúng thầu của nhà thầu trên là hơn 68,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc Công ty Thăng Long trúng thầu với giá 68,7 tỷ đồng chỉ giúp Bảo Việt Insurance tiết kiệm được… 10 triệu đồng.
Trước đó, ngày 21/5/2018, ông Nguyễn Xuân Việt khi đó là quyền Tổng giám đốc Bảo Việt Bảo Insurance cũng ký Văn bản số 4933/QĐ-BHBV thông báo lựa chọn cái tên quen thuộc là Công ty Thăng Long trúng thầu gói thầu: kết cấu phần ngầm (thuộc dự án tòa nhà văn phòng - trụ sở làm việc các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Bảo Việt và văn phòng cho thuê) với giá trúng thầu là 37,8 tỷ đồng.
Gói thầu này cũng giúp Bảo Việt Insurance tiết kiệm được hơn… 10 triệu đồng. Như vậy, Công ty Thăng Long là đơn vị duy nhất trúng hai gói thầu với tổng trị giá lên đến trên 100 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được cho chủ đầu tư khoảng trên… 20 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu tổ chức đấu thầu công khai thì rất có thể sẽ giảm được chi phí nhiều hơn. Liệu có khuất tất gì trong việc lựa chọn nhà thầu Công ty Thăng Long? Năng lượng Sạch Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Năng lượng Sạch Việt Nam đăng tải.