'Siêu ủy ban' duyệt phương án kinh doanh 2020 cho VNPT và MobiFone như thế nào?

DTVN 19:01 29/02/2020

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt cho MobiFone có doanh thu 33.283 tỷ đồng và lợi nhuận là 5.092 tỷ đồng, VNPT có doanh thu là 45.018 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.032 tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt cho MobiFone có doanh thu 33.283 tỷ đồng và lợi nhuận là 5.092 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 cho nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có VNPT và MobiFone. Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Theo thông tin trên ndh.vn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt cho công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone lên kế hoạch doanh thu 33.283 tỷ đồng, giảm nhẹ; lãi sau thuế 5.092 tỷ đồng, tăng 3%. Vốn đầu tư MobiFone tối đa không quá 8.800 tỷ đồng, trong khi năm 2019 giải ngân 4.460 tỷ đồng. Còn với công ty mẹ - Tập đoàn VNPT, mục tiêu đạt doanh thu 45.018 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.032 tỷ đồng, vốn đầu tư tối đa 11.000 tỷ đồng trong năm nay. Theo lý giải của “siêu ủy ban”, doanh thu 2 doanh nghiệp viễn thông giảm nhẹ so năm trước do dự kiến giảm giá cước kết nối năm 2020.

Hồi cuối tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phấn đấu quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những tồn tại của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa thoái vốn. Còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước.

Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm. Một số cán bộ chưa bám thực tiễn nên giải quyết nhiệm vụ chưa thuyết phục, gây chậm trễ thời gian dài. Chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không đầu tư phát triển sẽ thua cuộc ngay trên sân nhà, trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đến 20 tỷ USD, đã có thêm 140 nghìn doanh nghiệp tư nhân với số vốn bình quân 12 tỷ đồng, còn các dự án đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại không đạt tiến độ.

Thủ tướng cũng cho rằng, còn có những cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ khác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp khó khăn. Ủy ban cũng chưa đề xuất được thể chế để sửa các vướng mắc này. Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc chậm trễ, vướng mắc có nguyên nhân từ việc phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành chưa hiệu quả: “Tôi đề nghị các đồng chí phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Quan hệ hợp tác giữa Ủy ban với các cấp bộ, ngành với các tập đoàn, tổng công ty là một nguyên nhân chậm trễ, còn tình trạng ít hợp tác giữa quản lý ngành và Ủy ban”.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm quan trọng đối với đất nước, nhiều sự kiện, nhiệm vụ lớn phải thực hiện, song cũng nhiều thách thức đặt ra. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải tập trung khắc phục yếu kém, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Theo Infonet

Link gốc : https://ictnews.vietnamnet.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/sieu-uy-ban-duyet-phuong-an-kinh-doanh-2020-cho-vnpt-va-mobifone-nhu-the-nao-195476.ict

Bạn đang đọc bài viết 'Siêu ủy ban' duyệt phương án kinh doanh 2020 cho VNPT và MobiFone như thế nào? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất